Vận động viên và chuyện học văn hóa

28/10/2021 | 09:06 GMT+7

Ngoài tiền lương, chế độ dinh dưỡng đặc thù, vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao còn được tạo điều kiện tốt trong quá trình học tập văn hóa. Nhưng để vừa giỏi khi thi đấu lại có thành tích tốt trong học tập không phải là điều dễ dàng đối với bất cứ VĐV nào.

Huỳnh Thanh Tùng sắp xếp thời gian cân đối giữa việc học văn hóa và tập luyện.

Do Hậu Giang chưa có trường năng khiếu thể dục thể thao nên việc học văn hóa của VĐV thể thao thành tích cao vẫn diễn ra như các học sinh khác. 104 VĐV đào tạo tập trung của tỉnh được học tại các trường trên địa bàn thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, huyện Châu Thành A, một số trường ở Thành phố Hồ Chí Minh đối với diện gửi đào tạo.

Ngành thể thao tỉnh xác định: Đào tạo văn hóa cho VĐV nhằm đáp ứng mục tiêu lâu dài; đảm bảo tương lai phát triển toàn diện; giúp VĐV hoàn thiện bản thân. Vì vậy, ngành luôn tạo mọi điều kiện để VĐV có thể song hành hai nhiệm vụ thi đấu - học tập, phát huy được hết những tiềm năng, tố chất.

Em Lê Ngọc Thùy, VĐV đội Vovinam Hậu Giang, chia sẻ: “Mong muốn của em là vừa học giỏi, vừa tập Vovinam tốt. Gia đình, huấn luyện viên luôn hỗ trợ, động viên, khích lệ tinh thần nên dù có vất vả em vẫn vui. Sau thời gian tập luyện, em tranh thủ làm bài tập, đảm bảo hoàn thành theo những gì giáo viên dặn dò”.

Với tuổi đời còn khá trẻ, cùng cường độ tập luyện dày đặc, đòi hỏi bản thân mỗi VĐV cần tự rèn cho mình một bản lĩnh. Chỉ khi có đủ bản lĩnh mới giúp VĐV vượt khó khăn mà hoàn thành việc học cũng như sống trọn cho niềm đam mê thể thao.

Theo ghi nhận ở các đội thể thao thành tích cao tỉnh, nhờ ban huấn luyện thấu hiểu nên VĐV không quá căng thẳng cho việc học. Các huấn luyện viên sẽ căn cứ vào lịch học chính thức của VĐV để sắp xếp và lên giáo án huấn luyện cho phù hợp với mỗi cá nhân. Chú trọng đảm bảo cân đối giữa tập luyện, học văn hóa, nghỉ ngơi, thư giãn, nên VĐV luôn giữ được sự thoải mái, phấn khởi và an tâm cống hiến.

Anh Diệp Xuân Mẫn, huấn luyện viên môn Vovinam Hậu Giang, cho biết: “Tôi căn cứ trên lịch học của các em để hoán đổi thời gian tập các buổi sáng - chiều trong ngày tùy vào điều kiện thực tế. Trong đó, phân bố giáo án đảm bảo vừa sức, hợp lý, không mang tính chất quá ép buộc. Thời gian từ 17 giờ đến 19 giờ là lúc tôi triển khai kỹ, chiến thuật, nâng tầm chuyên môn khi các em đều không bận việc học”. Ban huấn luyện cũng thường xuyên bảo ban, nhắc nhở việc học tập, nắm bắt tâm tư, tình cảm để thấu hiểu, chia sẻ và giải quyết kịp thời những băn khoăn của VĐV.

Tại các khu vực dành riêng cho học tập, ban huấn luyện còn bố trí bàn ghế, lắp đặt hệ thống wifi để VĐV dễ dàng truy cập thông tin nhanh chóng, đặc biệt là trong thời điểm học trực tuyến như hiện nay. VĐV Huỳnh Thanh Tùng, đội tuyển Vovinam Hậu Giang, tâm sự: “Em vừa đậu vào Đại học sư phạm Giáo dục thể chất Trường Đại học Cần Thơ nên mừng lắm. Em thấy sự nỗ lực của mình thời gian qua được đền đáp. Bây giờ nhiệm vụ của em là phải tập luyện tốt để hướng tới thành tích cao ở các giải đấu, học văn hóa thật giỏi, không phụ lòng ban giám đốc trung tâm, huấn luyện viên và thầy cô đã giúp đỡ”.

Bằng sự nỗ lực, Hùng Nhựt đã hoàn thành chương trình Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh.  

Cũng có nhiều VĐV do điều kiện kinh tế khó khăn, không nghĩ sẽ tiếp tục việc học, nhưng khi bước vào hành trình tập luyện chuyên nghiệp, lại mở ra con đường tri thức, có quyền nghĩ xa hơn. Nguyễn Hùng Nhựt, cái tên không mấy xa lạ của thể thao Hậu Giang ở bộ môn karatedo đã tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh. Đối với Nhựt đó như một giấc mơ giữa đời thường, khi bản thân có điều kiện viết tiếp câu chuyện tri thức tới nơi, tới chốn.

Hùng Nhựt bộc bạch: “Trước kia, em không nghĩ mình học hết lớp 12 chứ nói gì đến đại học. Trở thành VĐV, em được trung tâm và huấn luyện viên tạo điều kiện nhiều nên vừa tập luyện, vừa học tuy quãng thời gian đó có vất vả nhưng xứng đáng. Hiện đang chờ bằng tốt nghiệp nên em về đội tập luyện, hỗ trợ thêm cho thầy. Em mong sẽ được tiếp tục cống hiến sức mình cho thể thao tỉnh nhà, đặc biệt là phát triển môn karatedo”.

Việc vừa tập luyện thể thao có thành tích tốt vừa giỏi văn hóa là điều rất khó. Trong quá trình học tập, các VĐV đôi khi còn bận thi đấu hoặc có quãng thời gian điều trị chấn thương và phục hồi thể trạng. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được, chỉ cần VĐV biết cách phân bố thời gian hợp lý, nỗ lực và quyết tâm hết mình.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>