Phát triển thể dục, thể thao vùng đồng bào dân tộc

16/09/2021 | 09:30 GMT+7

Bên cạnh chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, quy hoạch sân bãi để phục vụ nhu cầu tập luyện thể dục, thể thao (TDTT), Hậu Giang còn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân ở vùng đồng bào dân tộc tham gia tập luyện, rèn luyện sức khỏe.

Ở địa phương có đông đồng bào dân tộc sinh sống, thường tổ chức các giải thể thao truyền thống, thu hút mọi người tham gia. (Ảnh chụp trước đợt dịch).

Có sự đầu tư

Số lượng người tham gia tập luyện TDTT hàng năm tăng đáng kể, sân bãi phục vụ nhu cầu tập luyện được đầu tư xây dựng ngày càng nhiều… Điều này có thể dễ dàng bắt gặp khi có dịp đến các địa phương có đông đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh. Ông Phạm Trung Lưu, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, hoạt động TDTT ở các địa phương vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn như: xã Xà Phiên, xã Lương Nghĩa… đã phát triển hơn trước. Nếu trước đây, người dân ở đây chỉ tập trung cải thiện thu nhập, thì ngày nay, họ đã quan tâm nhiều hơn đến việc rèn luyện sức khỏe thông qua tập TDTT. Ngoài các môn thể thao truyền thống như kéo co, đẩy gậy, bơi xuồng… ở những địa phương này thời gian qua còn thu hút được nhiều người chơi bóng đá, bóng chuyền”.

Để thúc đẩy hoạt động TDTT ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc sinh sống, hàng năm Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao huyện Long Mỹ thường phối hợp với các địa phương tổ chức các giải đấu, hoạt động TDTT đặc trưng của người dân nơi đây. Không chỉ thu hút được nhiều người tham gia, mà còn giúp địa phương kịp thời phát hiện các vận động viên năng khiếu ở từng môn thể thao dân tộc.

Một trong những vận động viên đã góp phần tạo nên thành tích cho ngành TDTT huyện Long Mỹ, anh Danh Lợi, ở ấp 4, xã Xà Phiên, bộc bạch: “Chơi thể thao không chỉ là hoạt động vui chơi giải trí sau nhưng giờ lao động mệt mỏi, mà còn là cách rèn luyện sức khỏe rất bổ ích. Ngoài thanh, thiếu niên, kể cả người già và trẻ nhỏ ở đây giờ ai cũng chọn cho mình một hình thức luyện tập TDTT phù hợp”.

Phát huy thế mạnh

Cũng là địa phương có đông đồng bào dân tộc sinh sống, thời gian qua thành phố Vị Thanh đã ưu tiên, tập trung nhiều nguồn lực để phát triển TDTT tại các vùng đồng bào dân tộc. Anh Phạm Thanh Mẫn, Tổ trưởng Tổ Nghiệp vụ thể thao, Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao thành phố Vị Thanh, tâm sự: “Ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc sinh sống, ngoài tập trung phát triển TDTT quần chúng trong các địa bàn dân cư, chúng tôi cũng đẩy mạnh phong trào TDTT trong các trường học. Nhờ đó, số người tham gia tập luyện thường xuyên, số gia đình thể thao, hay câu lạc bộ thể thao tăng dần hàng năm. Ngoài các môn thể thao truyền thống như kéo co, đẩy gậy… trước đây thể thao trong đồng bào dân tộc còn có thế mạnh rất lớn ở môn đua ghe ngo. Tuy nhiên, do ghe ngo được cấp lâu, theo thời gian giờ đã xuống cấp, nên môn thể thao này không thể duy trì thường xuyên được nữa”. 

Trên địa bàn thành phố Vị Thanh có 4 xã, phường có đông đồng bào dân tộc đang sinh sống là: xã Hỏa Lựu, xã Vị Tân, phường III và phường IV. Ở những địa phương này, các cấp, các ngành không chỉ chủ động tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của việc tập luyện TDTT, mà còn từng bước đầu tư sân bãi, dụng cụ để thu hút người dân tham gia luyện tập thường xuyên.

Để thúc đẩy phong trào TDTT ở các vùng có đông đồng bào dân tộc, một số trường cũng thành lập các câu lạc bộ dành cho các môn thể thao dân tộc. Ông Võ Trần Huy, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tân Hòa, huyện Châu Thành A, cho biết: “Trước đây, trong các lần Hội khỏe Phù đổng cấp huyện, cấp tỉnh, nhận thấy môn đẩy gậy và kéo co là môn thể thao truyền thống của người dân tộc, dễ chơi lại ít phải đầu tư các trang thiết bị tập luyện. Trường đã thành lập CLB đẩy gậy mục đích, để khuyến khích học sinh có sân chơi lành mạnh và để giữ gìn một số nét truyền thống cho học sinh đồng bào dân tộc tại trường”.

Tính từ năm 2011 đến năm 2020, số người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tham gia tập luyện TDTT thường xuyên tăng từ 0,90% lên 1,29% so với dân số toàn tỉnh; số gia đình tập luyện TDTT cũng tăng từ 0,6% lên 1,05% so với số hộ gia đình toàn tỉnh. Ở những nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống, dù còn nhiều khó khăn nhưng các địa phương đã linh hoạt vận động người dân cùng tham gia tập luyện, giao lưu thi đấu thể thao thường xuyên. Hệ thống giải đấu ở từng địa phương được hình thành và duy trì đều đặn hàng năm, trở thành nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống trong đó đặc biệt quan tâm, chú trọng đến các môn thể thao dân tộc như: đẩy gậy, kéo co, điền kinh, đua thuyền...

Tính từ năm 2011 đến năm 2020, số người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tham gia tập luyện TDTT thường xuyên tăng từ 0,90% lên 1,29% so với dân số toàn tỉnh; số gia đình tập luyện TDTT cũng tăng từ 0,6% lên 1,05% so với số hộ gia đình toàn tỉnh.

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>