Nâng tầm võ Việt

25/01/2022 | 09:25 GMT+7

Sau nhiều năm vắng bóng, môn Vovinam được trông chờ sẽ thể hiện đúng vị thế khi trở lại đấu trường khu vực ở SEA Games 31.

Vovinam trở lại tại SEA Games 31 mang nhiều kỳ vọng.

Trong lịch sử tổ chức các kỳ SEA Games: Vovinam lần đầu tiên góp mặt thuộc khuôn khổ SEA Games 26 năm 2011 ở Indonesia; lần thứ hai SEA Games 27 năm 2013 khi Myanmar là nước chủ nhà. Thời điểm ấy, tuyển Vovinam Việt Nam đều giành được vị trí tốp đầu, mang về 1/3 số huy chương vàng trên tổng các nội dung tổ chức.

Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, Vovinam không có tên trong danh sách thi đấu ở 3 kỳ SEA Games liên tiếp 28, 29 và 30. Nên tại SEA Games 31 sắp tới, Vovinam lần nữa được gọi tên trở lại đã tạo động lực to lớn cho ban huấn luyện, vận động viên, lẫn những người yêu thích, tập luyện môn võ này cảm thấy phấn khởi.

Mục tiêu tuyển Vovinam quốc gia đặt ra là giành 5 huy chương vàng tại SEA Games 31. Để hoàn thành mục tiêu “săn vàng”, từ năm 2021, đội đã hội quân, nỗ lực tập luyện với những vận động viên tốt nhất ở các nội dung. Ban huấn luyện chú trọng rèn luyện kỹ, chiến thuật, cải thiện chuyên môn, tâm lý cho từng tuyển thủ. Bởi sức cạnh tranh của đấu trường Đông Nam Á sẽ không hề nhỏ khi những năm gần đây, Vovinam đang ngày càng phát triển đồng đều ở các nước trong khu vực.

Ở nhóm hạng cân đối kháng có 12 tuyển thủ, ưu tiên nguồn vận động viên trẻ đang tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Dù không thể thi đấu nhiều giải quốc tế để cọ xát do dịch Covid-19, nhưng đội vẫn thường xuyên kiểm tra đánh giá năng lực qua một số đợt thi đấu nội bộ giữa các tuyển thủ. Trong khi nhóm biểu diễn quyền tập tại Thành phố Hồ Chí Minh, với 21 vận động viên. Ban huấn luyện lại trao cơ hội cho những gương mặt quen thuộc để phát huy tối đa yếu tố kinh nghiệm trong thi đấu.

SEA Games 31 là cột mốc quan trọng để Vovinam vươn tầm mạnh mẽ, khẳng định mình khi trải qua những năm thăng trầm, vắng bóng. Đây còn là dịp để quảng bá sâu rộng tinh hoa kỹ thuật môn võ ra đấu trường quốc tế, một trong những nhiệm vụ của Vovinam Việt Nam trên con đường hội nhập. Phong trào Vovinam ở Đông Nam Á hiện đã phát triển ở 6 nước bên cạnh Việt Nam gồm: Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar, Indonesia và Philippines. Do đó, việc chiếm vị trí độc tôn của Vovinam Việt Nam tại SEA Games 31 không hề dễ dàng, đòi hỏi vận động viên phải tập trung cao độ trong tập luyện lẫn thi đấu, hạn chế những sai lầm đáng tiếc.

Vovinam đang trở thành môn thể thao được nhiều bạn bè quốc tế quan tâm, tìm hiểu, tập luyện, xem như một phương pháp tự vệ, rèn luyện sức khỏe hữu hiệu… Dự kiến SEA Games 32 năm 2023 tại Campuchia, môn võ này sẽ tiếp tục góp mặt.

Hy vọng với cơ hội trao tay, Vovinam Việt Nam sẽ nỗ lực ghi điểm. Xa hơn, tiến đến việc đưa Vovinam trở thành môn thể thao thường trực ở các kỳ SEA Games trong tương lai. Để phát triển dài hơi, Vovinam Việt Nam cần củng cố các tổ chức của môn phái, liên đoàn, chuẩn hóa đòn thế kỹ thuật, luật thi đấu. Liên đoàn Vovinam châu Á, Liên đoàn Vovinam Đông Nam Á và các nước trong khu vực cần nâng cao trình độ huấn luyện viên, vận động viên, từng bước mở rộng thêm lớp tập phong trào ở các địa phương… Công tác phối hợp, đào tạo bài bản, chiều sâu là điều kiện để Vovinam có thể phát triển trên bình diện thế giới. SEA Games 31 sắp tới là cơ hội quan trọng để từng bước hiện thực hóa điều này.

Môn Vovinam thuộc SEA Games 31 diễn ra từ ngày 18 đến 22-5 tới, tại Nhà thi đấu huyện Sóc Sơn (Hà Nội), vận động viên tranh tài 15 bộ huy chương. 6 hạng cân đối kháng (dưới 55kg, 60kg, 65kg với nam, nữ riêng). 9 nội dung quyền: đơn luyện tay không (long hổ quyền), đơn luyện vũ khí (tinh hoa lưỡng nghi kiếm pháp), song luyện vũ khí (song luyện kiếm), song luyện tay không (song luyện 1) và đa luyện vũ khí đối với nữ; nam gồm đơn luyện vũ khí (tứ tượng côn pháp), song luyện vũ khí (song luyện mã tấu), đa luyện vũ khí và đòn chân tấn công.

 

HỒNG NHUNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>