Chuyện đường dài của bơi lội Việt Nam

19/10/2021 | 07:50 GMT+7

Mục tiêu giữ vững vị thế tại SEA Games 31 sắp tới, trong khi kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên xin giã từ Đội tuyển Quốc gia là nhiệm vụ nặng nề của bơi lội Việt Nam trên hành trình chinh phục những đỉnh cao.

Việc Ánh Viên xin chia tay Đội tuyển Quốc gia gây nhiều tiếc nuối.

Sẽ có “Ánh Viên thứ 2”?

Bơi lội được xác định là môn chủ lực của thể thao Việt Nam tại SEA Games 31. Việc kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên xin rời Đội tuyển Quốc gia, đặt ra câu hỏi gương mặt nào sẽ đủ sức gánh trọng trách thành tích cho bơi lội Việt Nam ở đấu trường khu vực… vẫn chưa tìm được lời giải.

Ánh Viên từng giành 25 huy chương vàng SEA Games và nhiều giải thưởng khác. Nếu cô không còn ở Đội tuyển Quốc gia, chắc chắn việc “gặt vàng” tại SEA Games 31 của bơi lội Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, có thể mất từ 4-6 huy chương vàng. Dù không còn ở phong độ tốt nhất, Ánh Viên vẫn có thể tranh chấp huy chương vàng SEA Games, làm đầu tàu cho đội tuyển. Nên việc cô có thể giã từ Đội tuyển Quốc gia khi SEA Games 31 cận kề, khiến nhiều người tiếc nuối.

Hiện có một số vận động viên tiềm năng khác được kỳ vọng thế chỗ, nhưng để đạt trình độ và đẳng cấp như Ánh Viên khi cùng lứa tuổi là rất khó. Nhiều gương mặt trẻ của bơi lội nữ như Phạm Thị Vân, Võ Thị Mỹ Tiên… đã cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ. Ranh giới giữa Ánh Viên và phần còn lại của làng bơi lội nữ đang dần gần hơn. Đây là tín hiệu đáng mừng với bơi lội nước nhà, nhưng cần thời gian bao lâu, vận động viên được đầu tư và đào tạo ra sao vẫn là một chặng dài.

Bơi vượt… “biển lớn”

Mục tiêu của bơi lội Việt Nam là giành từ 15-20 huy chương vàng tại SEA Games 31 để hy vọng củng cố ngôi đầu. Còn nhớ SEA Games 30 năm 2019, với các gương mặt như Nguyễn Thị Ánh Viên, Nguyễn Huy Hoàng,… tuyển bơi Việt Nam chỉ đoạt 10 huy chương vàng, đứng thứ hai khu vực. Nên để hiện thực hóa mục tiêu này, đội cần tăng tốc chuẩn bị sẵn vàng cho mục tiêu “săn vàng” bằng chuyến tập huấn cao độ và thi đấu tại Hungary từ 1-11.

Vắng Ánh Viên, các thành viên tuyển bơi Việt Nam sẽ phải nỗ lực gấp đôi để khẳng định vị thế. Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng được đặt nhiều kỳ vọng. Anh là vận động viên trẻ, triển vọng, thể trạng hợp với những cự ly dài và theo đánh giá có thể tiến xa trong tương lai.

Bơi lội Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ, nhưng muốn chinh phục danh hiệu quốc tế, cần một lộ trình tập luyện bài bản, khoa học, đầu tư bền vững để phát triển đường dài. Cần chú trọng làm lại từ khâu tuyển chọn vận động viên và có chiến lược đầu tư xứng đáng. Điều đó sẽ giúp tiết kiệm kinh phí, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, không đúng trọng tâm, trọng điểm.

Sau “trắng tay” tại Olympic Tokyo, bơi lội Việt Nam đã có những bài học quý giá, rút kinh nghiệm hướng tới những mục tiêu tiếp theo. Phát hiện tài năng là chuyện không khó, nhưng để phát triển và khơi dậy đỉnh điểm của tài năng là cả một sự kỳ công. Tìm được một nhân tài có tố chất bẩm sinh, thể trạng vô cùng phù hợp là cực khó. Nên việc tạo điều kiện cho những vận động viên tài năng phát triển tối đa năng lực là điều cần thiết trong việc hoạch định chiến lược của thể thao Việt Nam nói chung và bơi lội nói riêng trong thời gian tới.

Bơi lội Việt Nam cần nhiều thời gian, đầu tư có trọng điểm, nhằm tạo nên thế hệ vận động viên kế cận, tài năng, thi đấu đạt thành tích tốt. Muốn “vàng” thì phải nhìn xa và hướng tới lộ trình chuẩn bị dài hơi…

HỒNG NHUNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>