Bóng chuyền Việt Nam mất dần “sức nóng”

28/09/2021 | 11:13 GMT+7

Chất lượng đội hình không được đánh giá cao, thiếu những màn tranh tài kịch tính,... khiến người hâm mộ mất dần hứng thú với bóng chuyền Việt Nam.

Bóng chuyền Việt Nam sẽ phải làm mới mình để thi đấu tốt hơn. 

Ở đội bóng chuyền nữ, việc bảo vệ ngôi á quân tại SEA Games 31 hoặc hướng đến huy chương vàng sẽ không hề dễ dàng như từng giành được năm 2019. Những “lỗ hổng” trong lối chơi, sự sa sút phong độ vốn có khiến bóng chuyền nữ Việt Nam làm cho người hâm mộ không còn đặt kỳ vọng quá nhiều. Điều này được thể hiện rõ tại Giải vô địch quốc gia 2020 tổ chức vào đầu năm 2021 là cảnh khán đài đìu hiu, thưa thớt người xem.

Gần thập kỷ trước, khi giải bóng chuyền quốc gia diễn ra, người hâm mộ lại háo hức trông chờ những màn trình diễn đỉnh cao của nhiều tên tuổi hàng đầu như Phạm Thị Yến, Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Phạm Thị Kim Huệ, Bùi Thị Huệ… Họ in đậm dấu ấn trong lòng khán giả bằng trình độ chuyên môn vững vàng, tinh thần thi đấu ổn định và máu lửa. Bóng chuyền nữ ngày ấy đầy sức hút, mang lại cho người hâm mộ niềm đam mê tự nhiên, không thể rời mắt theo dõi những cuộc so kè hấp dẫn.

Hiện nay, các gương mặt trẻ như Trần Thị Thanh Thúy, Nguyễn Thị Linh Chi, Nguyễn Thu Hoài, Bùi Thị Ngà, Đinh Thị Thúy… trở thành những chiến binh mới của làng bóng chuyền Việt Nam. Nhưng thực tế các cô gái vẫn chưa thể mang lại cảm giác tin tưởng và bùng nổ như đàn chị đã từng làm, bởi khả năng chuyên môn được đánh giá “lép vế” so thế hệ đi trước.

Bóng chuyền nữ Việt Nam đang mất dần khán giả khi những màn trình diễn chỉ sàn sàn, nhiều trụ cột sa sút phong độ, các gương mặt trẻ trưởng thành không theo kịp đòi hỏi của thực tiễn và phải trầy trật khẳng định mình. Bóng chuyền nữ Việt Nam cần thay đổi, nâng cao chất lượng thi đấu, làm mới trong lối chơi nhằm tìm lại những gì đã mất, tránh để ngày càng “đuối sức” ở sân chơi khu vực.

Còn bóng chuyền nam Việt Nam, dù được đánh giá là đội mạnh trong khu vực Đông Nam Á, nhưng vẫn chưa từng giành huy chương vàng SEA Games, chỉ 3 lần về nhì năm 2003, 2007 và 2015. SEA Games gần nhất năm 2019, đội lại gây thất vọng khi thua cả 3 trận vòng bảng, trong đó có đối thủ Campuchia, điều chưa từng xảy ra trước đây. Vì vậy, mục tiêu giành huy chương vàng tại SEA Games 31 ở nội dung nam khiến ban huấn luyện đau đầu, các tuyển thủ lại mang trên vai áp lực thành tích, tác động trực tiếp đến tâm lý thi đấu. Chỉ tiêu này được xem là quá nặng nề trong khi thực tế, năng lực và đội hình bóng chuyền nam Việt Nam đang có những hạn chế nhất định kèm chấn thương nối tiếp.

Song song đó, dưới ảnh hưởng của Covid-19, bóng chuyền nam Việt Nam đã có 2 năm tập… chay, không được thi đấu quốc tế. Việc một khoảng thời gian dài không dự giải quốc tế sẽ khiến đội khó khăn trong cải thiện lối chơi, nâng cao kỹ, chiến thuật. Cọ xát càng nhiều mới giúp các cầu thủ nâng cao trình độ chuyên môn, dễ dàng xoay chuyển tình huống và hướng đến việc ổn định tâm lý thi đấu, khắc phục khuyết điểm.

Việc đạt thành tích tại SEA Games 31 đúng như kế hoạch đề ra được đánh giá khá khó khăn nhưng đó là cách để bóng chuyền Việt Nam khôi phục vị thế vốn có.

Người hâm mộ kỳ vọng, bóng chuyền Việt Nam sẽ lấy lại phong độ, xứng đáng là một trong những môn thi đấu tạo điểm nhấn, tô vẽ thêm cho bức tranh toàn cảnh SEA Games 31 do Việt Nam đăng cai trở nên sinh động, hấp dẫn. SEA Games 31 được dời sang năm 2022, sẽ là cơ hội quý báu để bóng chuyền Việt Nam có thêm thời gian chuẩn bị đội hình chất lượng, với một lối đánh mới đầy khoa học, hợp lý nhằm tìm lại niềm tin yêu nơi người hâm mộ!   

HỒNG NHUNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>