Thử lửa trước thềm SEA Games 32

25/04/2023 | 09:56 GMT+7

Trước hành trình bảo vệ tấm huy chương bạc ở SEA Games 32, bóng chuyền nữ Việt Nam sẽ có đợt thi đấu hữu ích tại Giải bóng chuyền vô địch các câu lạc bộ nữ châu Á 2023.

Sport Center I của Việt Nam nỗ lực lọt vào tốp 4 ở Giải bóng chuyền vô địch các câu lạc bộ nữ châu Á 2023.

Giải có sự tham dự của các câu lạc bộ mạnh nhất châu Á: Hisamitsu Springs (Nhật Bản), Paykan (Iran), King Whale Taipei (Đài Bắc Trung Hoa), Altay VC (Kazakhstan), Diamond Food Fine Chef - Air Force (Thái Lan), Liaoning Donghua (Trung Quốc), Khuvsgul Erchim VC (Mông Cổ), Hip Hing VB (Hồng Kông). Do các câu lạc bộ bóng chuyền Việt Nam chưa đáp ứng được trình độ chuyên môn so với những đội châu lục nên Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam cử tuyển quốc gia tham dự giải, với tên gọi Sport Center I.

Với quy mô giải đấu cấp cao nhất châu lục, những đội bóng tham dự là đại diện xuất sắc nhất của mỗi quốc gia và được phép sử dụng ngoại binh. Do đó, dù ra đấu trường châu Á là đội tuyển quốc gia Việt Nam nhưng Sport Center I chưa chắc sẽ có được chiến thắng. Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam không đặt bất kỳ chỉ tiêu nào đối với Sport Center I mà xem đây là thử thách cuối cùng để đoàn quân của huấn luyện viên Nguyễn Tuấn Kiệt chuẩn bị cho SEA Games 32 sắp tới. Trong quá khứ, Sport Center I đã có 4 mùa giải tham dự với thành tích cao nhất là hạng 5 vào năm 2007. Còn trong lịch sử bóng chuyền Việt Nam, thành tích tốt nhất tại giải là hạng 4 do Bộ Tư lệnh thông tin lập nên vào năm 2011.

Dù không chịu áp lực thành tích, tuy nhiên Sport Center I sẽ cố gắng lọt vào tốp 4 chung cuộc. Đây cũng là dịp để các cầu thủ thể hiện năng lực bản thân, tạo nên sự cạnh tranh của vận động viên ở khâu tấn công, libero hay những vị trí phụ công. Qua đó ban huấn luyện sẽ đánh giá chính xác, sàng lọc vận động viên nhằm lựa chọn tới Campuchia tham dự SEA Games 32 một đội hình tối ưu nhất. Bóng chuyền nữ Việt Nam đã có thời gian tập luyện và chuẩn bị chu đáo về chuyên môn, với 14 cầu thủ chính thức tham dự giải, trong đó, có khá nhiều gương mặt quen thuộc như Trần Thị Thanh Thúy, Đoàn Thị Lâm Oanh, Đoàn Thị Xuân, Đinh Thị Trà Giang, Nguyễn Thị Bích Tuyền…

Vĩnh Phúc là đơn vị đăng cai, hiện đã chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, công tác bảo vệ an ninh… nên kỳ vọng nhận được sự quan tâm của người hâm mộ về một giải đấu hay nhất từ tổ chức lẫn chuyên môn. Những người yêu bóng chuyền Việt Nam sẽ được tận mắt chứng kiến các vận động viên ở cấp độ châu lục trình diễn ngay tại sân nhà, với nhiều trận đấu hấp dẫn, sôi động. Sẽ có từ 500-700 vé/ngày được bán ra với hình thức trực tuyến, giá 30.000 đồng đến 50.000 đồng/vé nhằm lan tỏa tình yêu bóng chuyền đến nhiều người hâm mộ. Giải cũng áp dụng công nghệ video challenger để xem lại các tình huống gây tranh cãi. Chắc chắn, Sport Center I sẽ gặp nhiều khó khăn tại Giải bóng chuyền vô địch các câu lạc bộ nữ châu Á 2023 khi các đối thủ đều chuẩn bị kỹ lưỡng về chuyên môn, mang tới Việt Nam những cầu thủ đẳng cấp với mục tiêu không gì khác ngoài chức vô địch. Tuy nhiên, Sport Center I sẽ nỗ lực trình diễn tốt nhất khả năng vốn có để làm cuộc thử lửa trước thềm SEA Games 32 lẫn lấy lại hình ảnh bóng chuyền Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

Giải bóng chuyền vô địch các câu lạc bộ nữ châu Á được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1999 tại Thái Lan. Năm nay, giải diễn ra ở Vĩnh Phúc với 9 đội bóng, chia thành 2 bảng, thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm từ ngày 25 đến 29-4. Từ ngày 30-4, căn cứ kết quả thi đấu vòng bảng, các đội thi đấu xếp hạng từ hạng 1-4 và từ hạng 5-9. Ngoài trao cúp và huy chương cho các đội đạt thứ hạng nhất, nhì, ba, còn có nhiều giải thưởng cá nhân như vận động viên toàn diện, chủ công xuất sắc, phụ công xuất sắc, chuyền hai xuất sắc… Đội vô địch giải sẽ đại diện châu Á tham dự Giải vô địch các câu lạc bộ thế giới khởi tranh vào tháng 12 tới tại Trung Quốc.

 

HỒNG NHUNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>