Thể thao “đóng băng” vì đại dịch

24/03/2020 | 09:00 GMT+7

Nhiều sự kiện thể thao đã bị hủy, hoãn, dừng tổ chức vô thời hạn vì dịch Covid-19.

Nhiều giải đấu thể thao trên thế giới đã bị hoãn hoặc dừng tổ chức vì Covid-19.

Khi Covid-19 đã trở thành đại dịch, các môn thể thao phải đối diện những thách thức thực sự, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều giải đấu lớn đi kèm giá trị thương mại khổng lồ bị dừng, hoãn, gây tác động không nhỏ cho ban tổ chức. Như Hiệp hội Quần vợt nhà nghề (ATB) lẫn Hiệp hội Quần vợt nữ (WTA) đang gặp khó khi sẽ không tổ chức giải đấu nào cho đến ngày 7-6. Các tay vợt sẽ không bị trừ điểm ở những giải đấu đã bị hoãn trong khoảng thời gian này và thứ hạng được giữ nguyên. Khi các giải thể thao kéo dài thêm thời gian nghỉ, dời lịch thi đấu, sẽ gây nhiều xáo trộn vào thời điểm cuối năm bằng một chuỗi hoạt động thường niên.

Động thái dừng, hoãn các giải được xem là cần thiết để bảo vệ sức khỏe, an toàn cho vận động viên và người hâm mộ trước đại dịch toàn cầu. Vấn đề ở thời điểm này là phải đối mặt với Covid-19 ra sao, khi không ai có thể dự đoán được chính xác thời điểm mà dịch bệnh này chấm dứt để trả mọi thứ về đúng quỹ đạo. Nhiều người vẫn hy vọng các giải đấu có thể thi đấu trở lại và về đích an toàn. Việc đưa ra phương án giải quyết phù hợp là bài toán đau đầu nhất với các nhà tổ chức.

Việc thế giới chịu những tác động tiêu cực do Covid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ tới thể thao trong nước. Ngay từ tháng 2, thời điểm đầu của chiến dịch phòng, chống Covid-19, ngành thể thao đã thông báo dừng toàn bộ các hoạt động, sự kiện thể thao trong nước. Nếu như mọi năm, đây được xem là thời điểm bắt đầu các giải thi đấu mới, trong đó có cả những sự kiện quan trọng thu hút số lượng lớn người tham gia như Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân chào mừng 74 năm Ngày Thể thao Việt Nam (27-3); Giải chạy Việt dã báo Tiền Phong… đã dừng.

Ngành thể thao hủy tất cả kế hoạch cử các đội tuyển, đội trẻ quốc gia đi tập huấn, thi đấu nước ngoài,… Đến hết quý I/2020 và trong tháng 4 tới vẫn chưa có tín hiệu khả quan là sẽ trở lại nhịp độ như trước. Nhưng việc làm này góp phần kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, nhận được sự ủng hộ của người làm công tác thể thao dù những áp lực về chuyên môn là rất lớn. Siết quân, quản tướng là cách thể thao Việt Nam ứng phó với Covid-19. Các trung tâm thể thao lớn còn triển khai các hoạt động phòng dịch chặt chẽ, thực hiện cấm trại đối với toàn bộ đội tuyển, vận động viên và cả huấn luyện viên. Ban huấn luyện luôn nhắc nhở các học trò ngoài tập luyện cần chấp hành tốt việc phòng, chống và tránh lây lan dịch bệnh, bằng những động thái phù hợp, đạt tiêu chuẩn an toàn.

Để sắp xếp được một giải thi đấu ổn định trong tình hình dịch bệnh diễn biến bất thường lúc này quả là không dễ. Điều cần làm là ngành thể thao phải có sự chủ động trong mọi tình huống, nhằm chuẩn bị cho những mục tiêu tiếp theo đạt được kết quả tốt nhất…

HỒNG NHUNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>