Nhớ góc bếp quê...

27/10/2016 | 08:28 GMT+7

Nói đến góc bếp quê, cái cà ràng - ông táo là hình ảnh thân quen nhất. Nhà bếp là nơi hội tụ của lò, củi, nồi niêu và có cả cây đũa bếp mà hồi đó hay bị má dùng để gõ lên đầu (gõ nhẹ thôi), vì nấu cơm khê.

Khói bếp đi vào thơ ca nghe nhẹ nhàng và bình dị. Khói lam chiều nghiêng theo bóng nắng, gọi người ở đồng xa về đoàn tụ buổi cơm chiều. Tiếng vụn than tí tách, mỗi khi nấu cơm xong vẫn còn than, thì bắp, khoai là món ăn dân dã không thể nào quên. Ba đi làm đồng về, tiện tay bẻ vài trái bắp, đem về nướng lửa than. Bắp vừa bẻ, hạt non, ngọt và thơm mùi sữa. Má chia cho anh em tui mỗi đứa một trái. Vừa ăn, vừa thổi, vừa nhìn mặt đứa kia lấm lem vì những mảng đen của vỏ bắp còn bám lại.

Nấu cơm bằng bếp củi thật sự không phải dễ. Hồi đó, mọi người cũng phải chịu đựng những lần cơm khê, cơm nhão, cơm ba tầng cho những ngày tập sự nấu cơm của mình. Nhớ nhất là mỗi khi trời mưa, củi không kịp khô, nhóm bếp không cháy, nước mắt, nước mũi tèm lem. Phần vì khói cay, phần vì sợ không kịp buổi cơm chiều. Lúc đó mình thầm ước, không phải ước cái bếp gas, bếp điện, bếp từ như bây giờ đâu. Mà ước gì có đống củi khô…

Nói đến bếp, là nói đến bàn tay của người phụ nữ. Ông bà xưa hay nói, đi cưới dâu thì nên vào góc bếp, sự ngăn nắp, gọn gàng, nhìn nồi niêu được chùi sáng bóng là có con gái đảm đang. Người ta cũng ví cái bếp củi là thước đo hạnh phúc của gia đình. Có câu, “chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa biết đời nào khê”…

Ngày nay, cơm có sôi đến cỡ nào thì cũng không cần canh lửa nhỏ. Bởi góc bếp hiện đại đã có nồi cơm điện, có bếp gas, bếp từ rồi, không còn phải chùi lọ nồi như thời của bà, của mẹ…

Tạp bút: CAO TUYẾT

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>