Tập trung nâng cao chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn

19/01/2022 | 17:15 GMT+7

(HGO) - Đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (NHCSXH) cùng 4 hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đề ra để thực hiện trong năm 2022, tại Hội nghị tổng kết hoạt động ủy thác năm 2021, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, vào chiều ngày 19-1.

Quang cảnh hội nghị.

Mặc dù, trong điều kiện khó khăn do dịch Covid-19, nhưng bằng sự nỗ lực của các tổ chức hội, đoàn thể trong công tác quản lý, cùng với việc sử dụng vốn vay đúng mục đích của hộ vay đã góp phần cho chất lượng tín dụng ủy thác ngày càng tăng và phát huy hiệu quả nguồn vốn. Tính đến cuối năm 2021, nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm tỷ lệ 0,84% trên tổng dư nợ ủy thác, tỷ lệ nợ quá hạn cộng nợ khoanh giảm 0,08% so với năm 2020. Đặc biệt không còn nợ bị chiếm dụng.

NHCSXH chi nhánh Hậu Giang và các tổ chức hội, đoàn thể ký kết văn bản liên tịch.

Tính đến cuối năm 2021, tổng dư nợ ủy thác qua 16 chương trình tín dụng chính sách trên 2.919 tỉ đồng (chiếm 99% tổng dư nợ), tăng trên 305 tỉ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng 11,7% (tăng 2,2% so tỷ lệ tăng trưởng năm 2020), với 92.407 hộ còn dư nợ. Đến nay, toàn tỉnh có 2.171 tổ tiết kiệm và vay vốn, giảm 15 tổ so đầu năm 2021. Nguyên nhân giảm do các đơn vị tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ hoạt động không hiệu quả, trong đó có 1.811 tổ xếp loại tốt, chiếm tỷ lệ 83,4%.

Trong năm 2022, NHCSXH chi nhánh Hậu Giang và 4 hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội đề ra 10 chỉ tiêu trọng tâm. Trong đó, phối hợp thực hiện hoàn thành kế hoạch tín dụng năm 2022 (đạt trên 99,5%), tỷ lệ nợ quá hạn dưới mức bình quân của toàn hệ thống, số dư tiền gửi của tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn tăng trên 18 tỉ đồng so với năm 2021...

Để đạt các chỉ tiêu đề ra, ông Nguyễn Thanh Triều, Giám đốc NHCSXH chi nhánh Hậu Giang, cho rằng cần nâng cao chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn. Theo đó, thực hiện tốt công tác đối chiếu nợ, phân tích nợ và tìm giải pháp xử lý. Đối với nợ không thu được sẽ đưa vào nhóm xử lý rủi ro. Cần bám sát hoạt động các tổ từng tháng, quan tâm chỉ tiêu tiền gửi tiết kiệm của hội viên. Rà soát lại các hộ nghèo, cận nghèo. Các đoàn thể có phân tích đánh giá các tổ, tập huấn đúng đối tượng. Quan tâm đến công tác tuyên truyền và huy động nguồn lực. Đặc biệt, các hội đoàn thể đều thống nhất thực hiện kiện toàn lại các tổ tiết kiệm và vay vốn trong năm 2022.

Tại hội nghị, NHCSXH chi nhánh Hậu Giang đã ký kết văn bản liên tịch với 4 hội đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội về việc thực hiện ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và hộ chính sách khác. Đồng thời, ký kết hợp đồng ủy thác đầu tư về việc ủy thác cho vay đối với phụ nữ, hội viên Hội phụ nữ để phát triển kinh tế.

Tin, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>