Tăng cường chống thất thu thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản

31/05/2023 | 08:38 GMT+7

Qua thời gian tăng cường thực hiện chống thất thu đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản thì số thu thuế tăng gần 200%. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những khó khăn nhất định. Phóng viên Báo Hậu Giang có phỏng vấn ông Lê Anh Tuấn (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Thuế Hậu Giang, xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, thời gian qua việc thực hiện chống thất thu thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản như thế nào ?

- Thời gian qua, Tổng cục Thuế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo toàn ngành phối hợp với cơ quan công an quản lý địa bàn, chuyển cơ quan công an điều tra các trường hợp có dấu hiệu trốn thuế, không khai hoặc khai giá trên hợp đồng, hóa đơn thấp hơn giá thực tế chuyển nhượng; yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, đặc biệt là nội dung quy định về hành vi trốn thuế và xử lý vi phạm đối với hành vi trốn thuế. Đồng thời chuyển hồ sơ điều tra, xử lý hình sự theo thẩm quyền.

Hàng năm, ngành thuế đều xây dựng kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện các hành vi trốn thuế trong giao dịch bất động sản.

Ngoài ra, tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản của người dân, doanh nghiệp. Cũng như, tăng cường phối hợp với cơ quan có thẩm quyền ở địa phương để quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản nhằm chống thất thu thuế.

Cục Thuế tỉnh Hậu Giang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật về thuế đối với việc thực hiện nghĩa vụ thuế trong chuyển nhượng bất động sản. Đồng thời, rà soát, thanh tra, kiểm tra chặt chẽ việc kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến chuyển nhượng bất động sản. Trên cơ sở đó, nếu phát hiện vi phạm sẽ phối hợp xử lý nghiêm theo quy định nhằm chống thất thu thuế.

Thưa ông, hiệu quả từ chủ trương chống thất thu trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản như thế nào ?

- Bằng các giải pháp nghiệp vụ cộng với việc đẩy mạnh tuyên truyền nên số thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản đã có những kết quả tích cực. Năm 2021, thu được 95,5 tỉ đồng và năm 2022 thu 190,5 tỉ đồng (tăng 199,5% so với năm 2021). Qua đó, cho thấy các giải pháp chống thất thu mang lại hiệu quả đáng kể.

Thưa ông, làm thế nào để tránh tình trạng gian lận trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản ?

- Người dân, doanh nghiệp là chủ thể trong giao dịch chuyển nhượng bất động sản, mọi hành vi vi phạm về thuế bằng thủ đoạn kê khai “hai giá” (nếu có), trước hết đều xuất phát từ mỗi cá nhân, doanh nghiệp. Vì vậy, nâng cao nhận thức về pháp luật, ý thức tự giác chấp hành nghĩa vụ thuế của mỗi cá nhân, doanh nghiệp là “chốt chặn” đầu tiên và cũng là giải pháp quan trọng, triệt để nhất để ngăn chặn tình trạng trốn thuế, tránh thuế.

Các tổ chức hành nghề công chứng cần thực hiện nghiêm quy định về trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, hướng dẫn người đi công chứng kê khai đúng giá thực tế mua bán để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật. Đồng thời phối hợp với Cục Thuế, Công an và các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động công chứng tại địa phương nói chung và việc công chứng các hợp đồng, giao dịch về bất động sản nói riêng. Có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý hành vi trốn thuế trong chuyển nhượng, kinh doanh bất động sản...

Cùng với việc đẩy mạnh vận động, tuyên truyền thì không thể thiếu công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kể cả xử lý hình sự các tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm để vừa tạo sự răn đe, vừa kịp thời ngăn chặn thất thu thuế. Thực tế cho thấy, đây là biện pháp mang lại hiệu quả thiết thực. Không ít trường hợp người dân có ý định trốn thuế khi chuyển nhượng bất động sản nhưng khi biết có thể bị xử lý hình sự đã phải chấp hành nghiêm quy định. Hàng năm, ngành thuế đều xây dựng kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện các hành vi trốn thuế, gian lận thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, thực hiện ấn định thuế, truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định của pháp luật; củng cố, hoàn thiện hồ sơ, chuyển cơ quan điều tra các trường hợp có dấu hiệu trốn thuế để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Thưa ông, hiện nay ngành thuế còn những khó khăn gì trong quá trình triển khai, cũng như các giải pháp để thực hiện tốt hơn chủ trương này ?

- Theo quy định hiện nay bảng giá đất ổn định 5 năm, trong khi thực tế giá thị trường bất động sản biến động tăng liên tục. Vì vậy dẫn đến việc giá đất do UBND cấp tỉnh quy định chưa sát với giá thực tế giao dịch của thị trường. Bên cạnh đó, ý thức tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế của người dân chưa cao; nhận thức chưa đầy đủ về chính sách pháp luật thuế và pháp luật có liên quan, chưa thấy được hậu quả pháp lý khi khai thuế với giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng thấp hơn nhiều so với giá giao dịch thực tế chuyển nhượng nhằm trốn thuế.

Để khắc phục những tồn tại, từng bước đưa công tác quản lý thuế đối với các khoản thu về đất, bất động sản đi vào nề nếp, đảm bảo công bằng, quyền, lợi ích của người nộp thuế, chống thất thu thuế, ngày 14-10-2022 Tổng cục Thuế có Quyết định số 1606/QĐ-TCT về việc ban hành Kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện các giải pháp liên quan đến công tác quản lý thuế tại Đề án tăng cường quản lý thuế và chống thất thu đối với các khoản thu về đất và bất động sản.

Trong đó, kế hoạch đã đề ra một số nội dung trọng tâm như xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý, sửa đổi, bổ sung các quy định về việc chuyển hồ sơ hoặc sử dụng cơ sở dữ liệu của cơ quan thẩm định giá để ấn định thuế; sửa đổi, bổ sung hướng dẫn áp hệ số điều chỉnh giá đất. Tăng cường công tác phối hợp với các Bộ, ngành trao đổi thông tin với Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý đất đai, với Bộ Xây dựng về quản lý nhà ở, thị trường bất động sản, với Bộ Tư pháp về cơ sở dữ liệu công chứng…

Xin cảm ơn ông !

T.XOÀN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>