“Đòn bẩy” tín dụng chính sách

09/02/2022 | 20:19 GMT+7

Năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Hậu Giang tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Trung ương, tỉnh để triển khai và kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động, hoàn thành tốt mục tiêu kép, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Khách hàng giao dịch tại điểm giao dịch phường IV, thành phố Vị Thanh.

Đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp

Ông Nguyễn Thanh Triều, Giám đốc NHCSXH chi nhánh Hậu Giang, cho biết: Năm 2021, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Hội đồng quản trị (HĐQT), Tổng Giám đốc NHCSXH, văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Nghị quyết của Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các hội đoàn thể nhận ủy thác, cấp ủy và chính quyền địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các giải pháp nhằm huy động các nguồn lực, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách và đạt được kết quả khả quan trên các mặt hoạt động, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh.

NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác rà soát, thống kê nhu cầu vay vốn của các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Từ đó, toàn chi nhánh đã chủ động triển khai kịp thời và có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần thực hiện tốt mục tiêu tạo việc làm, giảm nghèo, xây dựng NTM và đảm bảo an sinh xã hội chung của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ tín dụng NHCSXH chi nhánh Hậu Giang, để kịp thời hỗ trợ, khắc phục khó khăn cho người dân, các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19, khi có chính sách tín dụng hỗ trợ của Chính phủ cho người dân và doanh nghiệp, NHCSXH tăng cường tuyên truyền, triển khai rộng rãi chính sách cho vay trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng để mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận chính sách nhanh chóng. Điển hình như chương trình cho vay người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, trong năm 2021 đã có 32 doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 3.214 lượt người lao động, với số tiền trên 10,7 tỉ đồng.

Khi tín dụng chính sách kịp thời tới tay người dân đã giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, tiếp tục tạo thêm việc làm mới. Rất phấn khởi khi được vay nguồn vốn lao động hồi hương, ông Lê Hậu Giang, ở ấp Thạnh Hòa 2, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tâm sự: “Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến công việc làm của tôi. Vừa qua, được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng nguồn lao động hồi hương, nhờ có nguồn vốn vay đã giúp tôi có điều kiện cải tạo lại 1ha đất trồng khóm và mua cây giống để trồng lại khóm. Hiện tại cây khóm đang phát triển tốt, tôi cảm thấy rất vui và hy vọng rằng đợt thu hoạch khóm tới đây được mùa, được giá. Từ nguồn vốn vay NHCSXH sẽ giúp cho tôi có được thu nhập ổn định hơn”. 

Quan tâm tạo nguồn vốn cho vay

Bên cạnh nguồn vốn tín dụng do Trung ương phân bổ, để có thêm nguồn lực cho người dân vay vốn để phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm mới, nâng cao đời sống người dân, từ tỉnh đến các địa phương đều rất quan tâm đến việc tạo nguồn vốn cho vay. Ông Nguyễn Thanh Triều, Giám đốc NHCSXH chi nhánh Hậu Giang, cho biết: Trong suốt thời gian qua, toàn NHCSXH chi nhánh Hậu Giang đã bám sát và tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Kết quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh ngày càng được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng lên, ngân sách địa phương đã ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay là trên 148 tỉ đồng. Riêng trong năm 2021, nguồn vốn địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay tăng 54,6 tỉ đồng, nâng tổng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đến nay trên 160 tỉ đồng.

Ngoài ra, chi nhánh NHCSXH tỉnh còn phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với các cơ quan, ban, ngành có liên quan hoàn thiện Đề án thực hiện chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Theo đó, đã tham mưu bổ sung, mở rộng chính sách cho vay đối với đối tượng người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp một lần, đề xuất nguồn lực để cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm nhằm tăng cường nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh cho tạm ứng nguồn vốn ủy thác năm 2021 với số tiền 25 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh cho vay hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài để cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối với lao động hồi hương. Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh cho tạm ứng nguồn vốn ủy thác năm 2021 (từ nguồn tạm ứng cho vay đối với lao động hồi hương với số tiền 24,8 tỉ đồng) cho vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, khôi phục sản xuất kinh doanh để khắc phục khó khăn sau đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đánh giá cao tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Ông Nguyễn Thanh Giang, Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, cho biết: Điểm sáng trong năm qua đối với huyện Long Mỹ là tỷ lệ hộ thoát nghèo, đặc biệt là trong hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đạt được kết quả này là nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng cho hộ nghèo. Trong năm 2022, huyện tiếp tục chỉ đạo rà soát hộ nghèo, giám sát tổ tiết kiệm vay vốn. Đặc biệt tập trung chỉ đạo đối với xã có chất lượng tín dụng thấp để nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách. Tăng cường nguồn lực ủy thác qua NHCSXH để cho vay.

Còn ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho rằng: Trong thời gian tới, để giúp hộ nghèo sản xuất an toàn, tránh tình trạng sản xuất không ổn định thì cần phát triển tổ hợp tác sản xuất và có ký kết hợp đồng với doanh nghiệp. Người sản xuất cần hợp tác, nâng cao chất lượng, minh bạch hóa sản phẩm. Theo đó, năm 2022 này ngành nông nghiệp sẽ phối hợp NHCSXH chi nhánh Hậu Giang để có giải pháp tốt nhất giúp hộ nghèo phát triển.

Trong năm 2022, NHCSXH chi nhánh Hậu Giang phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tín dụng trên 99,5%. Phấn đấu mức tăng trưởng dư nợ trong năm 2022 đạt từ từ 9% trở lên so với năm 2021 (khoảng 265 tỉ đồng). Vốn nhận ủy thác tại địa phương tăng 30 tỉ đồng so năm 2021. Tỷ lệ nợ quá hạn duy trì dưới mức bình quân toàn hệ thống năm 2022.

 

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>