Đẩy mạnh kiểm soát lạm phát cùng với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

29/12/2022 | 08:46 GMT+7

(HG) - Sáng ngày 28-12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu tỉnh, thành phố để triển khai nhiệm vụ năm 2023. Tham dự và chỉ đạo hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Tại điểm cầu tỉnh Hậu Giang, có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Thu Ánh; đại diện NHNN chi nhánh Hậu Giang, cùng các sở, ngành, tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu NHNN chi nhánh Hậu Giang.

Tính đến ngày 21-12-2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỉ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đến ngày 30-11-2022 đạt khoảng 279.732 tỉ đồng, tăng 12,81% so với năm 2021 với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

NHNN đã tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện các vấn đề tồn tại, vi phạm trong hoạt động cấp tín dụng. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn ở mức an toàn là 1,92% (cuối năm 2021 là 1,49%), tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tại VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu so với tổng dư nợ ở mức 4,50% (cuối năm 2021 là 6,3%).

Bên cạnh đó, hầu hết các TCTD đã tích cực ứng dụng các công nghệ 4.0 nhằm tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng trong hoạt động thanh toán. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị; qua kênh internet tăng tương ứng 89,36% và 40,55%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 116,1% và 92,3%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 182,5% và 210,6%; giao dịch qua POS tăng tương ứng 53,57% và 48,78%; giao dịch qua ATM tăng tương ứng 13,28% và 14,04%.

Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2023, NHNN tiếp tục bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị ngành ngân hàng cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, trên tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo để khắc phục những hạn chế, yếu kém. Nỗ lực thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn các chức năng, nhiệm vụ được giao. Nghiên cứu, điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá với lãi suất, kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tài chính, tiền tệ, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tăng cường công tác thanh tra, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch và an toàn hệ thống; đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an ninh, an toàn.

Tin, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>