Tấm lòng cao cả

02/12/2019 | 06:30 GMT+7

Mỗi người có cuộc sống riêng, có những người hoàn cảnh rất đặc biệt, nhưng các cô chú gặp nhau vì chung tấm lòng thiện nguyện, chung sự chia sẻ và muốn góp sức cùng cộng đồng đỡ đần cho những cảnh đời khốn khó...

Dù đi đứng khó khăn, nhưng bà Thuận (trái) vẫn rất chăm làm việc thiện.

Trong Câu lạc bộ (CLB) Nhịp cầu nhân đạo ở phường III, thành phố Vị Thanh, người đặc biệt đầu tiên phải nói đến chủ nhiệm của CLB - ông Trần Nhật Thanh, bản thân ông và gia đình làm từ thiện rất nhiều, cứ mỗi lần có chương trình cảm thông và chia sẻ, khát vọng sống… nếu có người trong CLB đi, ông Thanh đều gửi kinh phí hỗ trợ cho các hoàn cảnh đáng thương. Hiện giờ, hai vợ chồng ông bà nấu cơm gạo lứt để biếu những người dân có nhu cầu ăn để chữa bệnh hoặc ăn kiêng mỗi sáng. Đó là tấm lòng rất thơm thảo của vợ chồng ông bà. Tuy nhiên, những việc làm của ông và gia đình đều rất thầm lặng, những ai quen biết mới hay thông tin ông bà làm từ thiện.

Những thành viên trong CLB này có những thành viên đặc biệt khác. Bà Nguyễn Thị Thuận, ở khu vực 5, phường III, khiến nhiều người ngưỡng mộ và noi gương, vì bản thân bà đôi chân đứng không vững, mỗi lần đi làm từ thiện, bà phải đi xe Honda ôm, vì chân đi không vững nên lội xa phải có người dìu. Khó là vậy, nhưng bà nhiệt tình hiếm có. Bà kể, lần đó đi tham dự chương trình nhân đạo, có người vô tình nói chân cẳng xít xụi, không ở nhà cho khỏe mà còn đi chi cho mệt. Lúc đó bà Thuận chỉ cười trừ, bà không giận hờn hay suy nghĩ gì về điều người kia nói, bà đi vì bà thấy mình vẫn có thể giúp đời theo khả năng của mình, dù rằng đi đứng khó khăn hơn những người bình thường. Mỗi lần, chương trình cảm thông và chia sẻ được tổ chức trong tỉnh, bà đều đi, bà tự bỏ ra 100.000 - 200.000 đồng tiền xe Honda ôm để đi.

Số tiền bà Thuận vận động được của hơn 30 thành viên trong CLB khi đi chương trình này được 1,5 triệu đồng đến 1,8 triệu đồng. Cứ đều đặn hàng tháng như vậy mấy năm nay, bà Thuận không bỏ chương trình nào. “Khi nghe hội chữ thập đỏ phường báo sắp có chương trình cảm thông và chia sẻ, tôi sẽ điện các anh chị em trong CLB, con cháu trong gia đình đóng góp tiền để cùng đi làm việc thiện nguyện. Điện xong tôi bỏ tiền ra trước, rồi lâu lâu gặp lại các anh chị em thì người ta đóng vào sau. Có đứa cháu làm công nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh, cứ nghe nhắc đi từ thiện, nó lại gửi vài chục ngàn đồng đóng giùm, cuối năm về nó trả lại cho tôi”, bà Thuận tâm sự.

Nhìn cách bà Thuận vận động và gom kinh phí từ nhiều người mới thấy công lao của bà bỏ ra để duy trì hoạt động của CLB. Khi bà điện vận động, có người ủng hộ 20.000 đồng, có người 50.000 đồng, có người 100.000 đồng.. bà gom góp lại để tặng những người nghèo khi tham gia chương trình nhân đạo.

Nhìn dáng đi liêu xiêu, đi xa phải có người đỡ, mới biết hoàn cảnh riêng của bà Thuận. Cuối năm 2007, trong một lần leo thang lên vệ sinh bồn nước trên giàn phía sau nhà, cây thang trợt, bà trợt theo rồi té, sau đó bị chẩn đoán chấn thương, đôn cột sống, bà nằm một chỗ mấy tháng trời, trải qua những cuộc mổ, uống không biết bao nhiêu thuốc, rồi tập vật lý trị liệu một thời gian dài, bà lê chân đi được chút ít, gần 2 năm sau bà mới có thể tự đi chầm chậm quanh nhà bằng dụng cụ hỗ trợ.

Sau 3 năm từ khi bị tai nạn, dù đôi chân không thể trở lại bình thường, hay bị tê cứng, nhưng bà Thuận vẫn bắt đầu hành trình thiện nguyện của mình. Ban đầu, thấy những hoàn cảnh nào trong dòng họ gặp khó, bà vận động bà con cùng giúp. Gia đình anh Lê Văn Tấn, ở ấp 7, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, được bà Thuận đi vận động hỗ trợ gần 16 triệu đồng để sửa chữa căn nhà đã cũ nát. Anh Tân bị bệnh tâm thần, nuôi hai con nhỏ, trong khi cả gia đình chỉ trông chờ vào một công vườn hai bên gia đình cho. Lúc đầu chỉ tính hỗ trợ mái tôn gần 3 triệu đồng, sau đó thấy cần làm vách, cuốn nền… bà lại đi vận động, mỗi lần vận động một ít, đã “đôn” số tiền lên gần 16 triệu đồng. Bà cùng CLB cũng đã vận động được một số mái tôn khác cho hộ khó khăn trên địa bàn thành phố.

Những tháng trước, đồng hành cùng bà Thuận, có bà Phạm Thị Ba, ở khu vực 2, phường III, đã gần 75 tuổi, 2, 3 tháng nay, do chân đau đi lại khó khăn, bà Ba không đi từ thiện được, nhưng nếu có thông báo là bà Ba lại nhờ con cháu điện gọi bà Thuận gửi tiền cho hộ nghèo. Điều đáng nói là bà Ba hoàn cảnh cũng không phải khá giả, bà đi từ thiện từ tiền tích cóp lâu nay. Hôm bà Thuận lại gặp, bà Ba chia sẻ: “Hai chị em đồng hành lâu nay đi làm việc thiện, mấy tháng nay không đi được cũng buồn lắm, ráng ăn cho mập, mau hết bệnh để đi từ thiện với mọi người”.

 Nói về hành trình thiện nguyện, bà Thuận chia sẻ, bà từng sống với cha dượng, từng bị chồng bạo hành, ngày bà và chồng thôi nhau khi bà mới bước sang tuổi 23, trên tay còn ẵm đứa con 6 tháng tuổi, nên bà hiểu rất rõ thế nào là khổ. Bởi vậy, dù đi đứng rất khó khăn, bà vẫn cố gắng duy trì CLB đã ra đời từ năm 2010 để giúp đời, giúp người. CLB đã đóng góp hàng trăm triệu đồng cho cộng đồng.

Tấm lòng cao cả của ông Thành, bà Thuận, bà Ba... thật đáng quý biết bao.

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>