Nơi cuối trời Tổ quốc, có những đóa "Hoa khuyết" vươn mình

11/11/2023 | 06:00 GMT+7

Không may mắn sở hữu thân thể lành lặn như bao người, nhưng những “đoá hoa khuyết” vẫn miệt mài lao động chân chính, cống hiến cho đời bằng những nỗ lực vươn lên dù là nhỏ nhất.

Tự chủ và tự trọng

Tâm lý thường thấy ở người khuyết tật (NKT) là sự tự ti khi hoà nhập cộng đồng và vất vả khi tự mưu sinh. Với phụ nữ, điều này càng tăng bội phần. Thế nhưng, vượt lên trở ngại đó bằng chính nghị lực phi thường, nhiều chị em đã tìm thấy sự lạc quan, ý nghĩa cuộc sống trong chính khiếm khuyết của bản thân.

Chị Phan Thị Mỹ Ái, ngụ Phường 6, TP Cà Mau, bị tai nạn giao thông dẫn đến bị khuyết tật một bên chân từ năm 2 tuổi. Năm học cấp 1 và cấp 2, chị từng nhận những ánh mắt kỳ thị của bạn bè khi chân không vẹn toàn và đi khập khiễng. Gạt đi những giọt nước mắt, chị dần tự chấp nhận khiếm khuyết. Lớn lên, chị tự học nghề làm nail, chăm sóc tóc... rồi mạnh dạn rời gia đình, rời quê hương để làm việc ở TP Hồ Chí Minh một thời gian dài. Sau 6 năm, tích luỹ đủ tiền, chị quyết định quay về quê, mở tiệm nail riêng.

Một mình làm mọi việc ở tiệm nail, chị Phan Thị Mỹ Ái tâm niệm bản thân có khiếm khuyết nhưng năng lực lao động không hề thua kém ai.

Chị Ái tâm sự: “Mình chú trọng về mặt tâm hồn, song người khác chú trọng về ngoại hình nên đôi khi làm mình chạnh lòng. Tuy nhiên sau đó, khi đã nghĩ thông, tôi cảm thấy họ không hiểu mình nên không trách được. Tôi chứng minh mình bằng sự tự trọng và tự thân vận động, kiếm đồng tiền chính đáng để sinh sống tự lập, bởi cha mẹ hay anh chị em không thể theo mình cả đời. Tôi ý thức phải tự lập mọi thứ từ bên ngoài lẫn bên trong mới có được sự tôn trọng của người khác”.

Không tự ti với khiếm khuyết, chị chỉ chạnh lòng vì một số người còn có cái nhìn thiếu thiện cảm, chưa nhìn nhận đúng năng lực và sự cố gắng của những NKT như chị.

“Tôi cảm thấy mặc dù tôi và bạn bè đồng cảnh ngộ đã rất nỗ lực nhưng những NKT không được công nhận như những người bình thường khác, dù đôi khi chúng tôi làm tốt hơn người khác. Càng bất công, tôi càng phấn đấu hơn chứ không bi quan. Việc của mình là phải sống cho bản thân, không nên đặt nặng chuyện người khác nghĩ gì về mình. Có thể nhiều người chưa có cái nhìn đúng đắn, mình cứ sống tích cực trước đã, từ từ người khác sẽ hiểu đúng và tích cực về mình”, chị Ái tâm sự.

Một "đoá hoa khuyết" toả sáng khác là chị Lê Thị Hồng Chi, ngụ Ấp 5, xã Tân Thành, TP Cà Mau, luôn vươn lên từng ngày để sống và tự phát triển bản thân, dù hai chân bị teo sau cơn sốt bại liệt. Chị Chi sinh ra trong gia đình 8 anh chị em nhưng ai cũng có cuộc sống riêng. Chị sống với mẹ già, là chỗ dựa tinh thần nhưng bà cũng đã qua đời. Gặp chị Chi lần đầu, ai cũng cảm thấy vui vẻ và được truyền nguồn năng lượng tươi mới khó tả. Bởi chính ở người phụ nữ khiếm khuyết ấy lại sở hữu một trái tim reo vui, cởi mở. Chị Chi tích cực học và thành thạo nhiều nghề. Chị từng có nguồn thu nhập ổn định khi đi may ở cơ sở do Hội Phụ nữ xã mở. Chị cũng nhận may tại nhà để giết thời gian và tự tạo niềm vui cho bản thân.

Chị Lê Thị Hồng Chi luôn tay làm những công việc mình yêu thích để có thu nhập và tự tạo niềm vui, sự lạc quan cho bản thân.

Chị Chi hồ hởi: “Tôi học thêu may, đan thảm, làm chiếu... từ Hội Phụ nữ và bản thân cũng tự học. Ngoài có thêm chút thu nhập tự lo cho bản thân, mình muốn mặc đồ gì có thể tự may theo ý thích, đây cũng là niềm vui của tôi trong cuộc sống”.

Không tiếp xúc với xã hội nhiều vì đi lại khó khăn, chị Chi tự tìm những nguồn giải trí và kết bạn riêng. “Tôi thích nghe radio và có thêm nhiều bạn qua các chương trình. Từ những người bạn này, tôi được sẻ chia, đồng cảm và hiểu rằng bản thân mình như vậy vẫn còn may mắn lắm, bởi có nhiều người còn bất hạnh hơn, không có đủ tay chân, vất vả hơn mình”.

Nhìn hạnh phúc bằng lăng kính xanh

Người ta thường có quan niệm NKT khó tìm được hạnh phúc lứa đôi. Nếu họ kết hôn thì cũng chỉ có thể tìm người có thân phận tương xứng. Quan điểm đó đã quá xưa và lạc hậu với những phụ nữ dù khiếm khuyết nhưng rất mạnh mẽ và độc lập ở thời đại 4.0.

Chị Phan Thị Mỹ Ái quả quyết hôn nhân là duyên, là nợ và hạnh phúc không đến từ người khác, mà phải đến từ bản thân trước đã: “Hạnh phúc không thể đến từ những yếu tố bên ngoài mà phải đến từ những rung cảm đồng điệu bên trong tâm hồn. Tôi từng tìm hiểu một người bình thường. Anh rất yêu tôi nhưng gia đình anh có cái nhìn hơi thiếu thiện cảm, dù người ta không nói ra nhưng tôi cảm nhận được. Tôi chọn cách chia tay, nhưng tôi vẫn tin tương lai không xa sẽ tìm được một nửa của mình”.

Với chị Hồng Chi, chuyện chồng con lại là gánh nặng, nhưng không phải vì tự ti, mà là trách nhiệm với các con và với xã hội: “Mình không lo được cho con là mình làm khổ nó. Nuôi dạy một đứa trẻ rất vất vả. Mẹ tôi khi còn sống cũng từng mong tôi có tổ ấm riêng. Cũng có người tới hỏi, nhưng tôi thấy khả năng của tôi không thể kết hợp được. Người đó cũng khuyết tật như tôi nhưng không có công việc ổn định nên hai người góp lại là thành gánh nặng cho gia đình hai bên nên tôi từ chối. Mẹ cũng đồng ý với quyết định của tôi”.

Lăng kính hạnh phúc của các chị không nằm ở chuyện tìm tình yêu hay hôn nhân viên mãn, mà là mong ước cho cộng đồng NKT và cho chính mình được sống đúng nghĩa, được công nhận đúng giá trị.

Chị Ái tâm sự: “Có nhiều NKT chưa được quan tâm nhiều. Tôi là một NKT nhưng tôi vẫn sinh sống và làm việc bình thường, thậm chí là nỗ lực hơn bội phần thì vẫn có thể tự chủ kinh tế. Nhưng có nhiều bạn không có công việc ổn định, không được xã hội công nhận, không tự chăm lo cho bản thân nên cần xã hội quan tâm hơn”.

Chị Hồng Chi lại ấp ủ: “Tôi chỉ mong muốn có công việc ổn định, kinh tế của riêng mình để làm những điều mình thích”.

Ðể "hoa khuyết" vươn mình mạnh mẽ hơn, ngoài nội lực của bản thân họ, vẫn cần lắm sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ban, ngành, đoàn thể.

Chị Võ Thị Bích Thuỷ, Phó chủ tịch Hội LHPN TP Cà Mau, cho biết: "Ban Thường vụ Hội LHPN thành phố và Hội LHPN xã, phường luôn quan tâm đến phụ nữ yếu thế, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em khuyết tật trên địa bàn. Hội LHPN xã, phường thường xuyên thăm hỏi, động viên, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của chị em để giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời. Qua đó, hội tạo điều kiện cho chị em học nghề, phối hợp với ngân hàng hỗ trợ vốn cho chị em mở rộng cơ sở làm việc ổn định. Trong thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục chăm lo cho hội viên, phụ nữ khuyết tật, nhằm giúp chị em nâng cao năng lực bản thân, góp phần xây dựng người phụ nữ Cà Mau thời đại mới, đồng thời tiếp thêm sức mạnh tinh thần để chị em tự tin vươn lên làm chủ cuộc sống, hoà nhập cộng đồng, thực hiện hiệu quả chủ trương của Ðảng, Nhà nước: “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Theo Lam Khánh - Chí Diện – Báo Cà Mau online

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>