“Nàng Út ống tre” và ước mơ hoa sáp

21/03/2022 | 07:52 GMT+7

Vượt lên hoàn cảnh đặc biệt, chị Bùi Thị Yến Nhi, ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, quyết tâm khởi nghiệp từ niềm đam mê hoa sáp. Câu chuyện của chị - nhiều người gọi “Nàng Út ống tre”, là hành trình truyền cảm hứng cho nhiều người.

“Nàng Út ống tre” Yến Nhi bên sản phẩm của mình.

Cô gái bé nhỏ không tự ti

Nâng niu bó hoa sáp vừa làm xong, cẩn thận ngắm nghía, chỉnh sửa cho thật ưng ý trước khi xếp lên kệ chuẩn bị giao cho khách, rồi lại tất bật xếp, cắt giấy, chọn hoa cho đơn hàng tiếp theo. Đó là công việc hàng ngày của chị Bùi Thị Yến Nhi, cô gái được nhiều người yêu mến với biệt danh “Nàng Út ống tre”.

Sinh ra có phần kém may mắn hơn những bạn bè cùng trang lứa, với thân hình nhỏ nhắn và phải di chuyển bằng 10 đầu ngón chân. Thế nhưng, tất cả không làm khó được Yến Nhi, chị xem đó như động lực để bản thân cố gắng mỗi ngày. Sau khi học xong phổ thông, chị Nhi nhận đan gia công lục bình như những chị em khác ở địa phương. Vốn có niềm đam mê hoa sáp và yêu thích kinh doanh nên bên cạnh công việc thường ngày, cô gái nhỏ còn tập tành làm những sản phẩm từ hoa sáp để chưng trong nhà rồi đăng lên mạng xã hội, không ngờ nhiều người chú ý và hỏi mua ngày càng nhiều. Vậy là từ năm 2019, chị Yến Nhi quyết định chọn cho mình hướng đi mới là kinh doanh hoa sáp.

“Em có ý nghĩ là mình sẽ kinh doanh một mặt hàng nào đó để tạo thu nhập cho gia đình, vì đam mê hoa sáp nên em kinh doanh hoa. Mọi thứ đều tự mày mò, không có đi học ở đâu hết. Ở quê nguồn hàng không có nên phải tự đi Thành phố Hồ Chí Minh tìm. Em chưa bao giờ nghĩ mình là một người nhỏ hoặc là một người tàn tật. Người bình thường làm được mà tại sao em không, em cứ nghĩ vậy, cứ làm thôi”, chị Yến Nhi bộc bạch.

Thấm thoát đã 3 năm, nghề dạy nghề, từ những ngày đầu, chỉ có vài đơn hàng, đến nay khách hàng của “Nàng Út ống tre” đến từ nhiều vùng, miền trong cả nước. Khách hàng chủ yếu đặt mua qua các trang mạng xã hội. Những dịp lễ, tết là thời gian bận rộn nhất của chị. Chị Nhi không nhớ nổi mình đã tạo nên bao nhiêu sản phẩm cho khách hàng, “Niềm vui, hài lòng của khách giúp em xua tan bao mệt mỏi. Đôi khi những khách hàng đặt hoa rồi, không lấy, em coi như là một cái vấp ngã, mình đâu thể nào giậm chân tại chỗ mà phải tự đứng lên, tiếp tục cố gắng. Chưa bao giờ em muốn bỏ cuộc, chùn bước trước bất cứ cái khó khăn, trở ngại nào”, chị chia sẻ.

Cái hay của cô gái nhỏ là luôn tìm tòi, sáng tạo những mẫu mã mới, thiết kế độc đáo, bắt mắt… vừa để tăng sức cạnh tranh vừa là cách để chị giữ chân khách hàng. Có lẽ nhờ vậy mà sản phẩm làm ra luôn được tiêu thụ hết, nhiều chị em gần xa cũng tìm đến và trở thành khách sỉ, cộng tác viên bán hàng với chị.

“Muốn giúp đỡ nhiều hơn với người có hoàn cảnh giống mình”

Khi được hỏi về dự định tương lai, chị Yến Nhi bày tỏ: “Nếu sau này mở rộng ra thêm nữa thì có thể tạo thu nhập cho những chị em phụ nữ ở đây hoặc là những bạn khuyết tật giống em muốn kinh doanh nhưng mà ít vốn, không có vốn, không biết làm từ đâu thì em có thể hỗ trợ, tư vấn. Em mong muốn truyền năng lượng tích cực cho những bạn hoàn cảnh khó khăn, đừng mặc cảm, tự tin, cứ vô tư sống và hài lòng với cái mình đang có”.

Gắn bó với chị Nhi đã 3 “mùa hoa” nhộn nhịp vừa qua (20-10, 14-2 và 8-3), chị Trương Thị Quế Anh, ngụ ấp Thị Trấn, thị trấn Ngã Sáu hiện đang là sinh viên năm thứ nhất của một trường đại học tại thành phố Cần Thơ, rất khâm phục nỗ lực vươn lên của người chị mình. “Em nể chị Nhi vì chị nhỏ nhắn nhưng có niềm đam mê lớn, năng lượng chị truyền cho mọi người rất tích cực. Có nhiều mẫu mã chị nghĩ ra đẹp, lạ mắt. Các bạn học chung với em nhận xét sản phẩm đẹp, hợp túi tiền, mẫu mã đa dạng. Em rất đam mê làm hoa sáp này, nếu chị mở rộng kinh doanh thì em sẽ về phụ chị”, chị Quế Anh bày tỏ.

Nói về tấm gương vượt khó của chị Yến Nhi, chị Nguyễn Thị Cẩm Chân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành, đánh giá: “Yến Nhi có ý chí vươn lên từ lúc còn đi học. Mặc dù điều kiện khó khăn, không được như mọi người khác nhưng không vì đó mà lùi bước, em vẫn tìm tòi, học hỏi làm hoa sáp, bán hàng, quảng cáo qua mạng để nhiều người biết đến. Tôi thấy rằng, mặc dù em khuyết tật nhưng nghị lực vươn lên rất lớn, là một điển hình cần nhân rộng để nhiều bạn có hoàn cảnh tương tự cố gắng phấn đấu”.

Cũng theo chị Chân, khi biết mô hình khởi nghiệp từ hoa sáp, các chị trong Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã vận động chị Nhi tham gia ý tưởng khởi nghiệp, hỗ trợ hết mình để “Nàng Út ống tre” hoàn thành bài thi thật tốt. Giải 3 từ cuộc thi “Tìm ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp của Phụ nữ tỉnh Hậu Giang năm 2022” là sự khích lệ, ghi nhận cho những cố gắng không mệt mỏi của chị Nhi.

“Thi đạt giải về rồi thì các chị em trong Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện động viên em cố gắng. Chúng tôi cũng tham mưu lãnh đạo các cấp, các ngành, tạo điều kiện thật là thuận lợi để cho Yến Nhi phát triển thêm nữa. Thứ nhất là để em mở rộng ra nhiều người biết đến, đào tạo thêm lực lượng kế thừa. Đây là một điều kiện vừa giới thiệu sản phẩm, vừa giải quyết việc làm cho chị em phụ nữ địa phương, Sắp tới, chúng tôi sẽ tập trung cho dự án này để em có thể phát triển thêm”, chị Nguyễn Thị Cẩm Chân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành, thông tin thêm.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>