Lan tỏa giá trị nhân đạo

05/04/2021 | 07:26 GMT+7

Hội chữ thập đỏ các cấp trên địa bàn tỉnh luôn gắn các phong trào thi đua với hoạt động nhân đạo, từ thiện. Những việc làm ý nghĩa ấy đã trở thành nét đẹp văn hóa tại cộng đồng...

Các phiên chợ nhân đạo góp phần chia sẻ khó khăn cùng người dân.

Thực hiện tốt các phong trào thi đua

Thấm nhuần lời dạy của Bác “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, những năm qua, hội chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua trong công tác nhân đạo. Qua đó, thể hiện rõ vai trò nòng cốt, cầu nối và điều phối trong các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Theo ông Nguyễn Chí Nghề, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh: Các phong trào thi đua đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng tổ chức hội. Phát huy vai trò nòng cốt của các cấp hội trong hoạt động nhân đạo, góp phần lan tỏa các giá trị nhân đạo tại cộng đồng.

Để thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua cũng như nhiệm vụ được giao, các cấp hội đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, triển khai các phong trào nhân đạo, từ thiện. Thường xuyên khảo sát, lập danh sách những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, để vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, hội đã vận động được đông đảo mạnh thường quân cùng đồng hành với phong trào, hoạt động của hội.

Tiêu biểu là phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”. Sau nhiều năm triển khai phong trào đã lan rộng và nhận được sự đồng thuận của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn và cả kiều bào đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Kết quả, mỗi năm các cấp hội đã vận động hàng chục nghìn suất quà để trao tặng người nghèo, nạn nhân da cam, người già neo đơn...

Là một trong những huyện thực hiện tốt phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, ông Nguyễn Nhật Hoàng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Phụng Hiệp, cho biết: “So với các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, Phụng Huyện là địa phương có số lượng người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đông nhất. Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng năm chúng tôi đều tích cực vận động mạnh thường quân trong và ngoài địa bàn để trao tặng những phần quà cho các đối tượng yếu thế vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Ngoài ra, thực hiện tốt các nhiệm vụ của hội, góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội”.

Cùng với các phong trào, cuộc vận động, phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng lan tỏa. Những khi tổ chức các buổi hiến máu tình nguyện từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn đều thu hút đông đảo mọi người tham gia. Từ những cán bộ, công chức, viên chức, các thành viên của câu lạc bộ hiến máu đến những cô chú nông dân, bác tài xế xe ôm hay chị giúp việc đều có chung mong muốn “hiến giọt máu đào - trao đời sự sống”. Nhờ vậy, kết quả hiến máu năm sau đều cao hơn năm trước. Đặc biệt, trong năm 2020 dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng kết quả hiến máu của tỉnh vượt chỉ tiêu Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam giao, góp phần cung cấp máu cho cấp cứu và điều trị bệnh.

Tích cực chăm lo các đối tượng yếu thế

Trong căn nhà Đại đoàn kết, anh Lê Hoàng Vũ, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, vui vẻ trò chuyện cùng mọi người. Nhìn ánh mắt rồi nụ cười của anh, mọi người sẽ cảm nhận được niềm vui của gia đình khi đã phần nào vượt qua cơn khốn khó. Khác với trạng thái cách đây gần một năm, lúc gia đình rơi vào bế tắc khi cha mẹ, vợ con của anh đều bị bệnh, nhà cửa thì xiêu vẹo. Trong tâm trạng phấn khởi, anh Vũ cho biết: “Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của mọi người thông qua chương trình “Cảm thông và chia sẻ”, gia đình tôi có được căn nhà vững chãi để ở, được chữa bệnh. Tôi cám ơn mọi người nhiều lắm”.

Được thực hiện từ năm 2012 đến nay, chương trình “Cảm thông và chia sẻ” được ví như chiếc phao góp phần tái sinh nhiều mảnh đời yếu thế. Thông qua chương trình, nhiều người được chữa bệnh, nhiều học sinh nghèo được tiếp sức đến trường. Từ đó, nhiều gia đình có cuộc sống ổn định.

Với phương châm để các đối tượng yếu thế được quan tâm, chăm lo kịp thời, hội thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình các gia đình, đối tượng gặp khó khăn, bệnh tật. Năm 2020, thông qua cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, toàn tỉnh đã trợ giúp thường xuyên cho 2.252 địa chỉ nhân đạo. Trong thời điểm dịch Covid-19, hội đã tổ chức 28 phiên “Chợ nhân đạo”. Tại đây, người dân sẽ tự lựa chọn những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu theo đúng nhu cầu của mình để phục vụ sinh hoạt hàng ngày như  gạo, dầu ăn, mì ăn liền, nước mắm… thông qua hoạt động đổi phiếu nhận hàng miễn phí. Bà Phạm Thị Ngọc Em, ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Gia đình thuộc hộ nghèo, tôi lại bị bệnh tim không thể lao động nặng. Vì vậy, khi phiên chợ nhân đạo được tổ chức, người nghèo chúng tôi mừng lắm. Ngoài ra, những khi vận động được gạo, nhu yếu phẩm, gia đình tôi cũng được hỗ trợ”.

Những hiệu quả thiết thực trong các phong trào thi đua của hội chữ thập đỏ các cấp đã thể hiện sự quan tâm của xã hội tới những người nghèo, người khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn, lan tỏa giá trị nhân văn sâu sắc. Ông Nguyễn Chí Nghề, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, cho biết: Các cấp hội chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt các phong trào thi đua cũng như nhiệm vụ của hội. Tiếp tục đa dạng các hoạt động trợ giúp nhân đạo. Qua đó, vừa góp phần giúp các đối tượng yếu thế vươn lên, vừa thắt chặt tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư...

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>