Khi giáo viên là “chiến sĩ” chống dịch

08/09/2021 | 10:26 GMT+7

Các thầy, cô giáo ở Hậu Giang đã không ngại khó, ngại khổ, xung phong nhận nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Hầu như trên tất cả các mặt trận, các thầy cô đều có mặt, là điển hình sống đẹp những ngày dịch bệnh.

Lực lượng giáo viên tham gia trực tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 khu vực cầu Trầu Hôi, huyện Châu Thành A. Các thầy cô không ngại khó, ngại khổ, mưa gió… để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Xung phong trực chốt kiểm soát dịch

Đã hơn một tháng qua, ông Nguyễn Hoàng Em, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Một Ngàn B, huyện Châu Thành A, vượt 8km từ nhà ở xã Nhơn Nghĩa A đến chốt kiểm soát dịch Covid-19 đặt tại khu vực cầu Trầu Hôi trên tuyến Quốc lộ 61C để trực chốt.

Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, lớp khẩu trang và bao tay luôn thường trực, người giáo viên này cùng những tình nguyện viên khác thuần thục các thao tác từ đo nhiệt độ, kiểm tra giấy tờ đến tuyên truyền, thông tin về phòng dịch bệnh cho người dân. Ông Hoàng Em chia sẻ: “Nghỉ hè công việc chuyên môn của giáo viên không nhiều. Khi nghe địa phương lập chốt kiểm dịch, tôi cùng 3 đồng nghiệp tình nguyện tham gia góp sức. “Chống dịch như chống giặc”, nên dù nắng hay mưa, anh em vẫn làm việc với tâm thế nhiệt tình”.

Chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại khu vực gần cầu Trầu Hôi, huyện Châu Thành A, được xem là cửa ngõ rất quan trọng, bởi là một trong tuyến đường huyết mạch từ thành phố Cần Thơ vào địa phận tỉnh. Ý thức được tầm quan trọng này, các lực lượng trực chốt đều tuân thủ nghiêm quy định. Không chỉ kiểm tra giấy phép lưu thông phương tiện, chốt kiểm soát còn giải thích cặn kẽ cho người dân, bởi khi hiểu đúng thì sẽ chấp hành đúng. Ông Hoàng Em nói thêm: Nhóm của ông có 10 người, trong đó có 4 giáo viên, anh em tại chốt chia ca trực mỗi nhóm 5 người trực 12 tiếng rồi lại xoay vòng.

Làm công tác chuyên môn gần chục năm, dù đã nắm thông tin về dịch bệnh nhưng ban đầu các thầy giáo vẫn không tránh khỏi bỡ ngỡ. Sau khi được tập huấn, mọi người dần tự tin hơn và tiếp cận nhanh với công việc, giúp đỡ nhau, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

“Trực chốt tuy cực nhưng anh em luôn sát cánh, động viên nhau, mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi. Ai cũng cẩn thận, phải có test nhanh âm tính mới được vào trực. Do công việc tiếp xúc nhiều người, khi hết ca, trước khi về nhà thì các anh luôn tắm rửa, vệ sinh, khử khuẩn đảm bảo an toàn cho bản thân, những người xung quanh”, ông Hoàng Em tâm sự.

“Chia lửa” tuyến đầu chống dịch

Không chỉ trực chốt, nhiều giáo viên ở huyện Châu Thành A còn tình nguyện tham gia chống dịch bằng nhiều việc làm cụ thể. Chị Trần Thị Khả Tú, giáo viên Trường THCS Trường Long A, tham gia nhập dữ liệu tiêm vắc-xin Covid-19 của huyện vào hệ thống quản lý của Bộ Y tế. Với lợi thế là giáo viên dạy tin học nên cô và các đồng nghiệp tại điểm trực tiếp cận, bắt nhịp nhanh với công việc.

“Chúng tôi bắt đầu công việc từ 7 giờ 30 phút sáng, tranh thủ làm nhanh để người dân được tiêm ngừa sớm, tránh tập trung đông người. Cao điểm như hôm 12-8, ngày đầu tiên tiêm vắc-xin của huyện, mỗi người nhập liệu thông tin cho khoảng 500 người dân. Công việc tuy có phần vất vả, nhiều thầy cô nhà xa, có hôm làm xong thì đã tối nhưng mọi người ai cũng vui vì được đóng góp cho công cuộc chống dịch của huyện nhà”, chị Tú chia sẻ.

Còn chị Nguyễn Thị Quyên, đang công tác tại Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Châu Thành A, thì xung phong tham gia cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện mỗi ngày nấu khoảng 300 suất cơm phục vụ cho các chốt và khu cách ly tập trung trên địa bàn. Chị Quyên cho biết: Nhà ở tận xã Trường Long Tây, nên chị làm việc và ở lại cơ quan để hạn chế đi lại nhiều, đảm bảo phòng dịch. Được sự động viên, tuyên truyền của lãnh đạo phòng, hăng hái tình nguyện nấu cơm cùng chị em Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện. Chồng, các con và gia đình ủng hộ nên chị rất an tâm với công việc của mình.

Ông Lê Hoàng Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành A, cho biết: Đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện, phát động thầy cô tự nguyện đăng ký tham gia công tác chống dịch và được hưởng ứng nhiệt tình, vượt ngoài mong đợi. Có khoảng 500 giáo viên tham gia nhiều công việc phòng, chống dịch này: Nấu ăn, trực chốt kiểm soát, phục vụ tiêm phòng vắc-xin, nhập liệu, tham gia test nhanh. Các thầy cô tham gia rất tích cực, nhiệt tình, hết giờ chứ không hết việc, thực hiện theo đúng chỉ đạo chung về phòng, chống dịch của huyện.

Từ những ngày phòng, chống dịch đã thấy, các thầy cô giáo không chỉ tận tâm với sự nghiệp trồng người mà còn là những chiến sĩ nhiệt huyết trên mặt trận chống dịch. Góp phần tạo thêm sức mạnh để tỉnh nhà chung tay đẩy lùi đại dịch…

Có khoảng 500 giáo viên ở huyện Châu Thành A tham gia nhiều công việc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn: Nấu ăn, trực chốt kiểm soát, phục vụ tiêm phòng vắc-xin, nhập liệu, tham gia test nhanh… Các thầy cô tham gia rất tích cực, nhiệt tình, hết giờ chứ không hết việc, thực hiện theo đúng chỉ đạo chung về phòng, chống dịch của huyện.

 

Bài, ảnh: NHẬT MINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>