Kết nối, trợ giúp người yếu thế

25/03/2024 | 08:15 GMT+7

Những người làm nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh luôn tích cực kết nối, hỗ trợ người yếu thế. Từ đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Chị Thắm thăm hỏi sức khỏe và làm thủ tục để nâng mức trợ cấp xã hội hàng tháng cho bà Thủy.

Niềm vui và trách nhiệm của người làm nghề công tác xã hội

Vào một chiều cuối tuần, chị Lê Thị Thắm, cộng tác viên công tác xã hội xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, đến nhà ông Nguyễn Văn Đua, ở ấp 2A, để làm hồ sơ nâng mức trợ cấp xã hội cho vợ của ông (bà Nguyễn Thị Thủy). Trước đây, bà Thủy bị bệnh, do ảnh hưởng của bệnh sức khỏe của bà yếu, đi lại rất khó khăn. Do đó, địa phương đã làm hồ sơ để bà được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng với mức 720.000 đồng. Cách đây không lâu, bệnh của bà nhiều hơn, ăn uống không được, rồi không thể đi lại, ngay cả muốn ngồi dậy cũng cần phải có người giúp đỡ.

Ông Đua cho biết: “Nhờ cháu Thắm hướng dẫn, giúp gia đình tôi làm thủ tục này kia. Tôi suốt ngày chăm sóc cho bà nhà, đâu có biết phải làm giấy tờ gì đâu”.

Gắn bó với công tác xã hội từ năm 2022 đến nay, nhiệm vụ của chị Thắm là hỗ trợ công chức văn hóa - xã hội của xã cùng quản lý những người thuộc diện bảo trợ xã hội. Mỗi khi biết được hoàn cảnh già yếu, neo đơn, bệnh tật hoặc trẻ mồ côi chị đều tìm đến gia đình để tìm hiểu hoàn cảnh, nắm bắt nhu cầu của các gia đình, cá nhân, tư vấn thụ hưởng chính sách. Chị cũng đề xuất chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp hỗ trợ, để trợ giúp cho những người yếu thế, giúp mọi người vượt qua khó khăn, để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Chị Thắm chia sẻ: “Mỗi khi hỗ trợ, giúp đỡ được ai đó, tôi cảm thấy rất vui và có thêm động lực để thực hiện tốt nhiệm vụ này”.

Khác với từ thiện là trao tặng vật chất, cộng tác viên công tác xã hội luôn tìm hiểu nguyện vọng của người yếu thế, xác định vấn đề họ đang gặp phải để tìm hướng giải quyết. 

Theo ông Trương Văn Phúc, cộng tác viên công tác xã hội xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, năm 2023 trên địa bàn xã có 1 trường hợp người khuyết tật đặc biệt nặng, dạng thần kinh, tâm thần, có hành vi gây nguy hiểm cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Biết được trường hợp trên, ông đã tư vấn cho gia đình để đưa người bệnh vào chăm sóc ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Ngoài ra, quan tâm, theo dõi 2 trường hợp là trẻ mồ côi đang được ông bà nuôi dưỡng. Ông Phúc cho biết: “Ngoài tiền trợ cấp hàng tháng 540.000 đồng đối với mỗi cháu, bản thân tôi còn tích cực vận động quà, tập sách, để trao tặng cho các cháu”.

75 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có cộng tác viên công tác xã hội.

Hướng đến chuyên nghiệp

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh. Thực hiện đề án cũng như kế hoạch của UBND tỉnh, đến nay, mạng lưới công tác xã hội từng bước phát triển, với việc đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở trợ giúp xã hội. Nếu như trước đây tỉnh không có cơ sở trợ giúp xã hội công lập, chỉ có 2 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, với sự hỗ trợ kinh phí từ Trung ương và đối ứng của địa phương, tỉnh đã xây dựng được Trung tâm Công tác xã hội tỉnh để chăm sóc người khuyết tật thần kinh, tâm thần và người lang thang cơ nhỡ.

Theo ông Lê Văn Cao, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh: Trung tâm  có chức năng, nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý chăm sóc, nuôi dưỡng; dạy văn hóa, dạy nghề và phục hồi chức năng; tư vấn, cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội... Hiện trung tâm đang quản lý, chăm sóc trên 250 bệnh nhân, người lang thang cơ nhỡ.

Để góp phần chăm lo đủ đầy hơn cho các trường hợp bảo trợ xã hội, những người yếu thế, thời gian qua các hoạt động an sinh xã hội được các ngành, các cấp, đoàn thể, địa phương triển khai thực hiện đa dạng với hình thức phong phú có sức lan tỏa sâu rộng. Ông Võ Hoàng Thâm, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, cho biết: “Trung tâm Công tác xã hội tỉnh phối hợp với địa phương thực hiện mô hình Cung cấp dịch vụ công tác xã hội với chủ đề “Phía sau bạn có tôi”, tại ấp 5, thường xuyên tiếp cận tư vấn, nắm thông tin và nhu cầu của những trường hợp bảo trợ xã hội, người yếu thế để tư vấn, tham vấn giải quyết các khó khăn trong cuộc sống; cung cấp, giới thiệu cho người dân về các dịch vụ công tác xã hội với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”…

Nhằm thực hiện tốt việc chăm sóc, hỗ trợ những người yếu thế, trường hợp bảo trợ xã hội hướng đến sự chuyên nghiệp, từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã tổ chức 26 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, với hơn 3.900 lượt cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội tham dự. Trong đó, có 24 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng công tác xã hội. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức 1 lớp trung cấp nghề công tác xã hội và 1 lớp nghiệp vụ công tác xã hội.

Theo ông Võ Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để thực hiện tốt việc chăm sóc, hỗ trợ những trường hợp bảo trợ xã hội, người yếu thế, sở tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về nghề công tác xã hội đến người dân.

Tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn nghề đặc biệt

Ngày 15-9-2016, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 25-3 hàng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam, nhằm tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn, ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của Nhân dân.

 

Họp mặt kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam

(HG) -  Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vừa tổ chức Họp mặt kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam (25-3), với chủ đề “Công tác xã hội Việt Nam tiên phong, chuyên nghiệp và kết nối”.

Trên địa bàn tỉnh hiện có Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đặt ở huyện Vị Thủy và 2 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập do Hội Bảo trợ Người khuyết tật - Trẻ mồ côi - Bệnh nhân nghèo tỉnh quản lý gồm Nhà nuôi trẻ mồ côi Hoa Mai Vị Thanh (thành phố Vị Thanh) và Nhà nuôi trẻ mồ côi Hoa Mai Cần Thơ (huyện Châu Thành A). Các huyện, thị xã, thành phố đều có người kiêm nhiệm làm công tác xã hội; mỗi xã, phường, thị trấn có 1 cộng tác viên công tác xã hội.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>