“Hương Quê” hết lòng với quê hương

02/11/2020 | 04:41 GMT+7

Thành lập chưa lâu nhưng những năm qua Nhóm thiện nguyện Hương Quê, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, góp phần chia sẻ, mang yêu thương đến những mảnh đời bất hạnh.

Mỗi tháng, Nhóm thiện nguyện Hương Quê đến nấu ăn cho bệnh nhân ở trung tâm từ một đến hai lần.

Những khi nghe cán bộ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh thông báo một vài ngày nữa Nhóm thiện nguyện Hương Quê ghé thăm, nhiều bệnh nhân không giấu được niềm vui và sự mong chờ, bởi ngoài những bữa ăn ngon, các bệnh nhân còn cảm nhận được tình cảm ấm áp mà các thành viên mang đến. Anh Trần Văn Bằng, bệnh nhân ở trung tâm, cho biết: “Nhóm cô Giàu đến chúng tôi mừng lắm, ngoài cho ăn cơm ngon, cho ăn trái cây, nhóm còn nói nhiều câu chuyện vui với chúng tôi”.

Hơn 3 năm nay, đều đặn mỗi tháng Nhóm thiện nguyện Hương Quê đều đến nấu cơm cho các bệnh nhân ở trung tâm từ một đến hai lần. Để có những bữa ăn ngon dành cho các bệnh nhân, nhóm đã tích cực vận động xã hội hóa, cũng như cùng ra công góp sức thực hiện. Theo chị Đặng Ngọc Giàu, Trưởng nhóm thiện nguyện, trong những lần đi theo các đoàn từ thiện, nghe mọi người chia sẻ về Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đang nuôi dưỡng những bệnh nhân tâm thần và người lang thang cơ nhỡ, hầu hết những hoàn cảnh đều đáng thương. Nghe vậy nhóm đã đến trung tâm để tìm hiểu. Với mong muốn bù đắp một phần thiệt thòi mà các bệnh nhân đang phải gánh chịu, tuy chỉ có 3, 4 thành viên lúc đầu, nhưng với tình yêu thương giữa người với người, các thành viên đã tự bỏ tiền túi để nấu bữa cơm tươm tất cho các bệnh nhân. “Do kinh phí tự hùn với nhau cũng eo hẹp, sau khi nấu được vài tháng, chúng tôi bắt đầu vận động xã hội hóa thêm để tiếp tục duy trì hoạt động ý nghĩa này. Tuy nhiên, việc vận động cũng chẳng dễ dàng, lắm lúc cũng muốn nghỉ không làm nữa. Song khi nhìn thấy bệnh nhân vui mừng đón nhận bữa cơm, chúng tôi lại có thêm động lực để tiếp tục gắn bó với công việc này”, chị Giàu chia sẻ.

Trong những lần đầu tiếp xúc với bệnh nhân, các thành viên của nhóm cũng không tránh khỏi cảm giác lo sợ, bởi đây là những người đặc biệt, có nhiều hành động bất ngờ. Hành động bất ngờ mà nhóm nói đến là bệnh nhân la hét, giận dữ, nhiều lúc nói gì cũng chẳng hiểu… rồi một lúc sau lại ngồi với vẻ mặt phụng phịu như một đứa trẻ, đương nhiên họ không nhớ mình vừa làm gì. Qua nhiều lần gặp gỡ, nhóm càng hiểu và thương họ hơn. Chị Giàu cho biết: “Nghe Ban giám đốc trung tâm kể, chúng tôi thấy thương cho những bệnh nhân ở đây. Đâu ai muốn mình bị bệnh như vậy đâu, họ đã không may mắc phải căn bệnh này, chúng tôi càng muốn bù đắp cho họ. Giờ đây, mỗi lần thấy nhóm tới, các bệnh nhân vui mừng, họ kêu lên nhóm cô Giàu tới rồi, hổm rày trông cô lắm. Với chúng tôi, chỉ bấy nhiêu là đủ”, chị Giàu cho biết.

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đang chăm sóc, nuôi dưỡng 213 người, cảnh đời ai cũng đặc biệt, có những câu chuyện rất đau lòng. Có những bệnh nhân vào trung tâm vài tháng, có người vài năm, nhưng cũng có người gần 20 năm. Như trường hợp của anh Trần Văn Bằng vào trung tâm đã 11 năm. Anh Bằng đi bộ đội, bị té, chấn thương não, gia đình đưa đi điều trị nhiều nơi những không khỏi, hay trường hợp em Lâm Mỹ Linh vào trung tâm cũng hơn 1 năm. Do thi trượt đại học, Linh bị trầm cảm, không nói chuyện với ai rồi dẫn đến phát bệnh, gia đình đưa vào trung tâm…

Tuy nấu những bữa cơm từ thiện, nhưng nhóm luôn làm những món mặn có thịt, có canh, có đồ xào, để đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân và linh hoạt thay đổi thực đơn hàng tháng. Ngoài ra, còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ thêm bánh, trái cây, nước giải khát cho bệnh nhân. Chị Lê Thị Nhung, bệnh nhân ở trung tâm, bày tỏ: “Nhóm cô Giàu nấu ăn ngon lắm, chỉ mong cô đến thường xuyên hơn. Tụi tôi mong cô lắm”.

Ngoài nấu ăn cho các bệnh nhân ở trung tâm từ một đến hai lần mỗi tháng, nhóm thiện nguyện còn nấu nui cho bệnh nhân ở Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ. Dẫu các thành viên có công việc khác nhau, nhưng ai nấy đều dành thời gian, để cùng ra công góp sức nhằm chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh. Những đóng góp mà Nhóm thiện nguyện Hương Quê dành cho bệnh nhân ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, đã được ghi nhận, khen thưởng, thế nhưng, các thành viên của nhóm cho rằng, chỉ cần nhìn thấy ánh mắt vui mừng, nụ cười tươi rói trên môi bệnh nhân mỗi khi nhóm đến là họ thấy vui lòng. Đó cũng chính là động lực để nhóm tiếp tục gắn bó với trung tâm trong thời gian tới...

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>