Giúp đời theo cách của mình

12/08/2019 | 08:39 GMT+7

Từng bị tai biến nhẹ, tuổi cao sức khỏe không được như xưa, nhưng ông Năm Ngữ (Tạ Trung Ngữ), ở ấp 3A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, vẫn thầm lặng, cần mẫn giúp đời theo cách của riêng mình.

Ông Năm Ngữ đến thăm cụ bà Trương Thị Sáu, ở cùng ấp.

Làm chuyện… không giống ai, nhưng ý nghĩa

Lâu nay, cứ đều đặn những ngày nắng ráo, hơn 4 giờ sáng, khi nhiều người vẫn co ro trong chiếc mền ấm áp, say giấc nồng, ông Năm Ngữ đã dậy sớm. Con lộ từ 6 Ngàn lên 6 Ngàn Rưỡi, cứ thời gian đó lại nghe tiếng xoành xoạch của cây chổi dừa. Ông Năm Ngữ quét dọn, gom rác, bọc ni lông, chai nhựa… của người qua đường vứt khi đi ngang qua con đường này. “Tôi thường thức dậy thời điểm đó để tập thể dục, thôi thì kết hợp luôn, vừa tập thể dục, vừa dọn dẹp rác ở tuyến đường này. Làm vậy mình cũng khỏe, mà đường làng, ngõ xóm cũng sạch đẹp. Thật sự cũng không nhiều người biết chuyện làm của tôi đâu, nhưng điều đó không quan trọng, miễn tuyến đường sạch đẹp là mình vui”, ông Năm Ngữ chia sẻ.

500m tuyến đường này lâu nay sạch sẽ gần như nhất ấp, đó là nhờ công lao của ông Năm Ngữ. Ông chia sẻ, có người nói ông rảnh, làm chuyện không giống ai, nhưng ông không nghĩ vậy, đó cũng là việc thể hiện trách nhiệm công dân của mình, là điều nên làm.

Bà Trương Thị Sáu, ở cùng ấp, năm nay đã 86 tuổi, nhắc đến ông Năm Ngữ, cười móm mém: “Nhắc tới Năm Ngữ ở đây ai mà không biết. Sống với bà con hàng xóm được lắm à. Có bánh trái, gạo thóc gì là cũng dành phần cho tôi với mấy ông bà già quanh đây hết. Mà ở nhà đâu chỉ có Năm Ngữ, vợ Năm Ngữ cũng làm việc thiện nguyện nhiều”.

Cho đến giờ, hàng chục hộ dân ở tuyến kênh 6 Ngàn Rưỡi, vẫn bày tỏ sự phấn khởi khi nói đến cây cầu bắc qua tuyến kênh này. Ông Phan Văn Lâu, nhà ở sát bên cây cầu, chia sẻ: “Cây cầu do ông Năm Ngữ vận động để xây dựng đó. Hồi đó, bà con quanh đây đi cầu ván, cầu khỉ không hà, không có chắc chắn, khó đi, mà lại nguy hiểm, cũng té lên té xuống, từ khi có cây cầu, đi lại khỏe lắm. Bà con quanh đây đi chợ búa, kêu thương lái ngoài thị trấn vào đây mua lúa, trái cây cũng dễ dàng lắm. Chứ trước đây cầu đi lại khó khăn, mưa gió như mùa này chỉ muốn ở nhà thôi. Thiệt cảm ơn ông Năm”.

Kinh phí 150 triệu đồng xây cầu từ tiền của người dì gửi để ông Năm Ngữ xây dựng. “Cây cầu này tôi cũng đứng ra làm, mất ăn mất ngủ với nó. Mình làm cầu cũng là vì mình, vì ruộng đất tôi ở trong đây nè, nhưng thiệt tình thấy bà con đi lại khó khăn, hay té ngã do cầu ván trơn trợt hay hư, nên ráng đi xin tiền về làm. Công sức bỏ ra cũng nhiều lắm. Hơn 10 hộ dân ở đây ai cũng phấn khởi khi cầu xây dựng xong”, ông Ngữ cho biết.

Sau đó, ông tiếp tục ủng hộ thêm hơn 20 triệu đồng để góp làm đường bê tông để đi lại dễ dàng và nối liền cây cầu.

Vợ chồng đồng lòng làm việc thiện

Chuyện từ thiện của ông được sự ủng hộ nhiệt tình của vợ, cả hai cùng chung chí hướng. Bà Huỳnh Thị Cúc, vợ ông Năm Ngữ, cũng được bà con quanh thị trấn biết đến với việc luôn đồng hành cùng chồng trong những chương trình từ thiện của gia đình. “Cứ mỗi năm, tôi và chồng trích tiền tích cóp để mua 500kg gạo tặng cho những gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở ấp này và các ấp lân cận của thị trấn. Với những hộ người già neo đơn, hoặc gia đình đi lại khó khăn, chúng tôi chở gạo đến tận nhà để gửi. Mình làm vậy chỉ để những phần gạo đến tận tay những người cần”, bà Cúc chia sẻ.

Đó là số tiền tích cóp từ gia đình, còn mỗi năm, từ sự hỗ trợ của bà con trong gia tộc, ông Năm Ngữ mua từ 500kg - 1 tấn gạo để tặng những hộ gia đình nghèo, gửi tổ cơm cháo nước sôi ở trung tâm y tế huyện và các địa phương khác. “Đó giờ, tiền làm từ thiện tất cả đều là trong dòng họ cùng đóng góp để tặng, biếu, chứ không có vận động bên ngoài. Đây là kết quả vì người nghèo khó của cả dòng họ chứ không riêng gì vợ chồng tôi đâu”, ông Năm Ngữ nói.

Ông theo đạo Cao Đài, ăn chay trường gần chục năm nay, nên chuyện ăn ở với bà con láng giềng cả nhà ông được khen ngợi. Ông sống chan hòa với mọi người, giúp được gì cho mọi người là ông sẵn sàng. Quanh xóm, nhà ai có bệnh túng quẫn, cần hỗ trợ là ông sẵn sàng cho mượn tiền để đi bệnh viện, khi nào có sẽ trả lại.

Giờ, ruộng đất ông bà đã giao lại cho con, hai vợ chồng ông bà đi bán buôn ngoài chợ để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống, dành dụm ra chút ít để làm từ thiện.

Cả ông Năm Ngữ và vợ đều sinh trưởng tại vùng này. Ngày xưa ông từng làm công an ấp, bà Cúc khổ cực thời gian dài để mua gánh bán bưng nuôi cả gia đình. Nói về gia đình mình, bà Cúc kể: “Nhà tôi và nhà chồng đều đông người lắm. Mỗi bên cả chục anh em. Nhà đông người mà đất ít, nên phải đi mua gánh bán bưng để có cái ăn. Hồi đó, mình nghèo, được người khác giúp đỡ, cho gạo ăn, giờ mình cũng còn nhớ những điều đó và cố gắng giúp đỡ người nghèo khác khi điều kiện của mình tốt hơn trước”.

Chỉ tay về căn nhà đã xây dựng hơn 20 năm. Bà Cúc kể thêm, hồi đó cầm trong tay 1 cây vàng, nhưng cất nhà tới 8 cây vàng, bạn bè, bà con cho mượn 7 cây vàng, có người mang tới nhà cho mượn luôn. Vợ chồng tôi quý cái nghĩa, cái tình đó dữ lắm, nên giờ giúp đỡ lại là trả nghĩa lại cho cuộc đời.

Ông là một trong những điển hình được nhắc đến qua 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của huyện Châu Thành A. Cũng 3 năm trước, ông Năm Ngữ bị tai biến, đến giờ ông vẫn phải đi châm cứu và trị liệu, nhưng điều đó không ngăn tinh thần thiện nguyện của ông. Hai vợ chồng ông vẫn dành dụm tiền làm từ thiện và vận động gia tộc cùng đồng hành với mình. “Hai vợ chồng tôi thật sự không có giàu có gì đâu, nhưng tâm thiện có sẵn trong người. Mình là người theo đạo, nhưng tôn chỉ của bất kỳ đạo nào cũng vậy, là làm cho cuộc đời tốt lên, là sẵn sàng giúp đời, nên vợ chồng đồng lòng làm từ thiện, để đạo gần đời hơn”, ông Năm Ngữ nói.

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>