Sức mạnh “thế trận lòng dân”

19/08/2022 | 08:12 GMT+7

Thời gian qua, từ sự quan tâm sâu sát của cấp ủy, chính quyền, sự tham mưu kịp thời của lực lượng công an, nên phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển mạnh mẽ cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Từ phong trào này, “thế trận lòng dân” đã được dựng lên vững chắc, góp phần đắc lực vào sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Ghi nhận sự đóng góp đó, tại Ngày hội TDBVANTQ năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 18 tập thể, 26 cá nhân; Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen cho 26 tập thể, 36 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào này. Đó là những phần thưởng xứng đáng cho tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hòa (giữa), Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho đại diện tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2022.

Những gương điển hình

Năm nay, ông Lê Hoàng Anh, ở ấp Phước Long, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, ngoài 60 tuổi, sức khỏe không còn như trước, nhưng tinh thần phòng, chống tội phạm, bảo vệ bình yên xóm ấp vẫn “cháy”. Là Đội phó Đội Dân phòng ấp nên ông thường xuyên phối hợp với công an xã tuần tra đảm bảo ANTT trên địa bàn. Trong những lần như thế, bằng kinh nghiệm của mình, ông đã nhiều lần đề xuất công an xã bắt kẻ gian.

Cụ thể, khoảng 23 giờ của một ngày tháng 6 vừa qua, trong lúc tuần tra, ông phát hiện một đối tượng lạ mặt đi từ vườn mít của người dân trên địa bàn ra. Với kinh nghiệm, ông đề xuất công an xã kiểm tra đối tượng trên. Qua đó, lực lượng phát hiện đối tượng vừa trộm 6 trái mít của người dân, chuẩn bị đi tiêu thụ.

Hay trước đó vào tháng 4, trong một lần đi tuần tra, ông và lực lượng công an xã phát hiện một đối tượng bơi xuồng trên kênh thuộc ấp, tưởng người dân bình thường nên không quan tâm. Thế nhưng, khi đi khỏi khoảng 200m, ông đề xuất quay lại kiểm tra thì phát hiện hắn sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản.

8 tháng đầu năm 2022, ông Anh còn tố giác nhiều vụ việc gây mất ANTT địa phương như: đá gà, đánh bài... giúp lực lượng công an xã kịp thời triệt phá. “Những gì tôi làm không vì mục đích khen thưởng mà vì bình yên cho Nhân dân. Xóm ấp bình yên thì gia đình tôi bình yên”, ông Hoàng Anh cho biết.

Còn ông Nguyễn Văn Cứ, ở khu vực Bình Tân, phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, ngoài tham gia tố giác tội phạm, tuyên truyền, giáo dục những người có nguy cơ vi phạm pháp luật trở thành công dân tốt, ông còn có nhiều đóng góp trong giữ gìn ANTT địa phương.

Đó là vận động nhân dân ủng hộ tiền để xây 6 trụ của 3 “cổng rào ANTT” trên địa bàn; gắn 10 “camera ANTT”; đồng thời còn phát hơn 100 tờ rơi tuyên truyền phòng, chống tội phạm tại khu vực Bình Tân; vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm xây 16 căn nhà tình thương cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Đặc biệt năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, ông vận động lương thực, thực phẩm để nấu hơn 500 suất cơm miễn phí phục vụ người dân tại các khu cách ly trên địa bàn phường.           

Ông Cứ chia sẻ: “Động lực giúp tôi gắn bó với công tác này đó là mong muốn mang lại cuộc sống bình yên cho người dân, xóm ấp. Mỗi ngày thấy tình hình ANTT địa phương ổn định, người dân an tâm làm ăn, phát triển kinh tế là tôi vui và cảm thấy việc làm của mình thật ý nghĩa”.

Đó là hai trong hàng trăm gương điển hình tiên tiến trong phong trào TDBVANTQ trên địa bàn tỉnh năm 2022. Theo Công an tỉnh, từ phong trào này, 6 tháng đầu năm 2022, Nhân dân cung cấp gần 300 nguồn tin có giá trị giúp lực lượng công an điều tra khám phá 34 vụ án hình sự, khởi tố 53 bị can; triệt phá 72 điểm tệ nạn xã hội, xử lý gần 420 đối tượng, bắt 1 đối tượng truy nã.

Đến tập thể, mô hình điển hình

Ai có dịp trở lại ấp Long Bình 1, xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, trong những ngày này mới cảm nhận được sự bình yên, phát triển nơi đây. Nhiều nhà tường khang trang được xây dựng; mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả ngày càng nhiều, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày được nâng lên. Có được kết quả đó ngoài sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, nỗ lực của người dân thì ANTT ổn định đóng góp rất lớn để người dân an tâm lao động sản xuất.

 “Mấy năm nay, ANTT trên địa bàn ấp rất ổn định, tình trạng trộm cắp, tệ nạn xã hội giảm rất nhiều, mâu thuẫn trong Nhân dân hầu như không còn... Từ đó, người người an tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”, ông Đỗ Văn Năm, người dân ấp Long Bình 1, chia sẻ.

Có được kết quả trên là sự đồng lòng, đoàn kết của cán bộ và Nhân dân địa phương trong thực hiện các biện pháp đảm bảo ANTT. Để ANTT trên địa bàn ổn định, cán bộ ấp phối hợp với công an xã tuyên truyền các quy định của pháp luật; thủ đoạn của tội phạm và biện pháp phòng ngừa, đồng thời tặng móc khóa an ninh đến 100% hộ dân trên địa bàn; cho 100% hộ dân ký cam kết không vi phạm pháp luật, được người dân nhiệt tình hưởng ứng.

Ngoài ra, người dân còn tự nguyện ủng hộ 8 triệu đồng lắp 3 “camera ANTT” tại các tuyến đường chính; gần 10 triệu đồng sửa chữa cổng rào ANTT... “Khi phát động bất cứ phong trào gì đều được người dân ủng hộ rất nhiệt tình, đồng thời còn thường xuyên vận động người thân, con cháu chấp hành các quy định pháp luật. Từ đó, 8 tháng đầu năm 2022 tình hình ANTT trên địa bàn ấp ổn định, không xảy ra vụ việc gì gây mất ANTT”, ông Hồ Tấn Được, Trưởng ấp Long Bình 1, cho biết.

Phong trào TDBVANTQ còn được doanh nghiệp, trường học, cơ quan nhà nước hưởng ứng thực hiện với nhiều cách làm phù hợp, hiệu quả. Mô hình “Bệnh viện không có tội phạm và tệ nạn xã hội” tại Bệnh viện Phổi tỉnh là một điển hình.

Theo ông Nguyễn Thành Hiểu, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh, mô hình này thành lập năm 2017. Để mô hình hoạt động hiệu quả, bệnh viện gắn gần 30 camera ở các cổng, đường đi chính của bệnh viện; mỗi đêm bảo vệ (vệ sĩ) phối hợp với nhân viên tuần tra trong khuôn viên bệnh viện; vận động, yêu cầu người bệnh, người nhà bệnh nhân đóng cửa, bảo vệ tài sản cẩn thận; tuyên truyền tình hình tội phạm ở địa phương trên hệ thống loa của bệnh viện...

Ngoài ra, bệnh viện còn thành lập đội tự vệ cơ quan, trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng; phối hợp với Công an phường III thông tin thủ đoạn của các loại trên địa bàn, tuần tra gần bệnh viện... “Từ khi thành lập mô hình đến nay, bệnh viện và người nhà bệnh nhân không xảy ra mất cắp tài sản; tệ nạn xã hội gần bệnh viện cũng không còn”, ông Nguyễn Thành Hiểu cho biết.

Toàn tỉnh có hơn 60 mô hình bảo đảm ANTT, trật tự an toàn xã hội hoạt động hiệu quả như: mô hình “Tuyên truyền phòng, chống tội phạm và cải cách hành chính thông qua mạng xã hội zalo”, “Khu dân cư tự quản về phòng, chống ma túy”, “Zalo an ninh trong đảng viên chi bộ”, “3 không, 4 biết”, “4+1”, “Camera an ninh”, “Số điện thoại đường dây nóng và hộp thư tố giác tội phạm”... Tuy có khác nhau nhưng mỗi mô hình đều phù hợp với đặc trưng của từng nơi, nhất là nhận được sự ủng hộ, đồng thuận Nhân dân. Nhờ đó, “thế trận lòng dân” trong giữ gìn ANTT đã được phát huy, kịp thời phát hiện, tố giác các loại tội phạm trên địa bàn, giải quyết các mâu thuẫn trong Nhân dân, góp phần phòng ngừa, đấu tranh, làm giảm tội phạm, tệ nạn xã hội tại địa phương.

Đại tá Phan Văn Giữ, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết, để nâng cao hiệu quả phong trào TDBVANTQ, thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và mọi tầng lớp nhân dân đối với phong trào này. Tăng cường chỉ đạo lực lượng công an phát huy vai trò nòng cốt trong triển khai, thực hiện phong trào, đồng thời xác định trách nhiệm của các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, đoàn thể, tổ chức kinh tế - xã hội trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào ở từng địa phương. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tổ chức Ngày hội TDBVANTQ nhằm thu hút quần chúng nhân dân tích cực tham gia; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào”.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>