Phát huy thế trận lòng dân, an ninh nhân dân

15/06/2022 | 09:28 GMT+7

Nhờ triển khai, thực hiện linh hoạt, phù hợp ở từng đơn vị, địa phương nên phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thời gian qua trên địa bàn tỉnh phát triển sâu rộng, phát huy thế trận lòng dân, an ninh nhân dân trong bảo đảm an ninh trật tự (ANTT).

Mô hình “Xóm đạo bình yên” có vai trò rất lớn trong việc bảo đảm ANTT tại phường Trà Lồng.

Hiện toàn tỉnh có trên 60 mô hình tiêu biểu, hoạt động hiệu quả trong bảo đảm ANTT, an toàn xã hội. Đáng ghi nhận, mỗi mô hình phù hợp với đặc trưng của từng nơi, nhất là nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của Nhân dân.

Nhiều mô hình hiệu quả

Phường Trà Lồng, thị xã Long Mỹ có khoảng 90% bà con theo đạo công giáo, sinh hoạt tại hai nhà thờ Trà Lồng và Trà Rằm. Do tiếp giáp với nhiều đơn vị của thị xã Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp, huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) và Quản lộ Phụng Hiệp nên trước đây, địa bàn phường có nhiều đối tượng xấu móc nối với người địa phương thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Vì thế, vào năm 2007, mô hình “Xóm đạo bình yên” được thành lập ở phường này. Qua nhiều năm củng cố, nâng chất, mô hình được hầu hết người dân trên địa bàn phường biết, tham gia thực hiện tốt.

Chưa kể hàng tuần, trong buổi thánh lễ, chánh sở các nhà thờ dành thời gian tuyên truyền pháp luật và tình hình ANTT, nhất là từng loại tội phạm ở mỗi thời điểm, những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Hàng tháng, ban chỉ đạo mô hình tổ chức sơ kết hoạt động để thông tin tình hình ANTT trên địa bàn, những trường hợp vi phạm pháp luật. Nếu là tín đồ trong họ đạo sẽ bị linh mục nêu tên, giáo dục, nhắc nhở tại thánh lễ. “Tín đồ trong họ đạo rất sợ bị nhắc nhở, nêu tên nên chấp hành rất tốt các quy định của pháp luật trong đảm bảo ANTT địa phương”, ông Phạm Văn Quán, quyền Chủ tịch Hội đồng giáo xứ họ đạo Trà Lồng, cho biết.

Cùng với việc tuyên truyền pháp luật, ban chỉ đạo mô hình còn yêu cầu, vận động người dân làm hàng rào bằng bê tông hoặc cây xanh và gắn bóng đèn trước cổng, đến nay khoảng 80% hộ thực hiện. Ông Phạm Văn Quỳnh, ở khu vực 2, phường Trà Lồng, chia sẻ: “Trước đây, khi chưa có đèn trước ngõ, gia đình tôi thường xuyên bị mất trộm vặt. Bây giờ, đèn sáng từ đầu đến cuối xóm, nạn trộm vặt hầu như không xảy ra, người dân phấn khởi lắm”.

Theo thiếu tá Ngô Đức Thống, Trưởng Công an phường Trà Lồng, từ khi thành lập mô hình đến nay, tình hình ANTT trên địa bàn rất ổn định, đặc biệt 3 năm qua và 6 tháng đầu năm 2022, không xảy ra phạm pháp hình sự, tai nạn giao thông, trộm cắp. Đó là kết quả của việc phát huy thế trận an ninh nhân dân. Cụ thể, khi người lạ mặt đến địa bàn có biểu hiện khả nghi phạm tội là người dân nhắn tin hay điện thoại báo với lực lượng công an biết và theo dõi, nên đối tượng xấu không dám manh động.

Tương tự, mô hình “3 quản, 3 phòng”, được thành lập năm 2017 tại ấp 5, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, hoạt động cũng rất hiệu quả trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội ở địa phương. Theo trung tá Phạm Thanh Tùng, Trưởng Công an xã Vĩnh Trung, mô hình này được thành lập vì ấp 5 có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số; trước đây, việc tiếp cận một số quy định của pháp luật còn hạn chế nên tội phạm còn xảy ra.

Vì vậy, khi triển khai, thực hiện mô hình, Công an xã phối hợp với ấp tuyên truyền các hành vi, quy định của pháp luật liên quan đến trộm cắp, tệ nạn xã hội và mức xử phạt; vận động ngành chức năng lắp 250 bóng đèn đường chiếu sáng tại ấp và cách thực hiện nội dung “3 quản, 3 phòng”. Trong đó, có nội dung người dân tự bảo quản tài sản, quản các thành viên trong gia đình, phòng người lạ mặt đến địa bàn lôi kéo người dân vi phạm pháp luật, phòng thanh niên tụ tập gây mất ANTT… 

“Hàng tháng, chúng tôi cùng ấp phối hợp với Ban quản trị chùa ấp 5 tuyên truyền những nội dung liên quan của việc triển khai, thực hiện mô hình đến người dân, bà con phật tử nên nhận được sự đồng thuận cao trong phòng, chống tội phạm. Nhờ vậy, từ khi thành lập mô hình đến nay, tình hình trộm cắp, tệ nạn xã hội giảm theo từng năm, đặc biệt 6 tháng đầu năm 2022, ấp không xảy ra phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội”, trung tá Tùng cho biết thêm.

Ngoài hai mô hình trên, trong tỉnh còn có khá nhiều mô hình hoạt động hiệu quả như: “4+1”, “camera an ninh”, “3 không 4 biết”, “câu lạc bộ hướng thiện”, “quản lý nhà trọ về ANTT”, “ánh sáng an ninh, con đường không bóng tối”… Từ việc củng cố, nâng chất đã cho thấy, các mô hình tự quản về ANTT đang hoạt động có hiệu quả, giúp giải quyết tốt các vụ việc nhỏ phát sinh ở cơ sở, không để phát sinh “điểm nóng” và mâu thuẫn kéo dài, góp phần phòng ngừa, đấu tranh, làm giảm tội phạm và tệ nạn xã hội tại địa phương.

Những điển hình tiên tiến

Từ sự đồng thuận của người dân trong xây dựng, thực hiện các mô hình nên thế trận lòng dân, an ninh nhân dân đã được phát huy, khi họ sẵn sàng xả thân, quên mình để giữ gìn ANTT địa phương. Điển hình là vụ bắt trộm của hai vợ chồng ông Trần Văn Út và bà Lương Thị Thu Thi, ở ấp Nhơn Thuận 1A, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, vào đầu năm 2018. Tuy vụ bắt trộm xảy ra khá lâu nhưng nay nhắc lại, vợ chồng ông vẫn nhớ rõ.

Ông Út kể, cuối năm 2017 đầu năm 2018, ấp Nhơn Thuận 1A liên tiếp xảy ra trộm, trong đó có nhiều hộ gần nhà ông. Với tinh thần phòng ngừa tội phạm, ông làm hàng rào xung quanh nhà, trang bị ổ khóa cửa, nuôi chó để giữ nhà… Thế nhưng, khoảng 22 giờ của một ngày đầu năm 2018, trộm lẻn vào nhà ông. Lúc này, vợ chồng ông chuẩn bị ngủ thì nghe tiếng động ở sau nhà, ra xem thấy hai con chó của mình giãy chết. Biết trộm đã thuốc và sẽ quay lại lấy, vợ chồng ông ngồi núp chờ sẵn.

Đến khoảng 1 giờ sáng hôm sau, đang ngồi chờ, ông nghe tiếng động ở dưới kênh và thấy một người đàn ông bơi vỏ hướng về nhà mình. Khi đến nhà, tên này kéo hai con chó định bỏ vào bao thì bất ngờ, ông Út chạy ra giật lại và truy hô để người dân cùng bắt. Biết bị động, tên trộm dùng cây dầm đánh nhiều cái vào đầu ông Út. Thấy chồng bị đánh, bà Thi chạy ra chống trả tiếp. Khoảng 15 phút sau, tên trộm bị vợ chồng ông Út bắt, trói lại giao cho công an xã.

Sau sự việc đó, vợ chồng ông Út được Giám đốc Công an tỉnh khen thưởng đột xuất trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. “Phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ chung của mọi người, trong đó có tôi. Vậy nên, lúc phát hiện 2 con chó giãy chết, vợ chồng tôi có thể đem vô nhà và xem như chẳng có việc gì xảy ra, nhưng như thế, tên trộm sẽ tiếp tục thực hiện hành vi xấu với những hộ xung quanh”, ông Út bộc bạch.

Ngoài trường hợp trên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều điển hình tiên tiến trong vây bắt, tố giác tội phạm như: Ông Ngô Văn Tòng, ở ấp 4, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy; ông Lưu Văn Minh, ở ấp 7, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh; ông Bùi Văn Bé, ở ấp Phước Hưng, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành; ông Phạm Văn Trãi, ở ấp Bình Thuận, xã Long Bình, thị xã Long Mỹ... Tuy công việc, nghề nghiệp khác nhau nhưng mỗi người đều có chung tinh thần sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn và tích cực tham gia hỗ trợ trong việc đấu tranh, phòng chống tội phạm.

Theo cơ quan chức năng, thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được tổ chức bằng nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, góp phần nâng cao lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và mọi người dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cụ thể, 5 năm qua, các cấp, các ngành đã tổ chức tuyên truyền, vận động tập trung được 18.320 buổi, với hơn 426.800 lượt người dự; tuyên truyền bằng hình thức phát thanh được gần 650 lượt, có khoảng 157.600 lượt người nghe; treo hơn 1.250 pano, băng rôn; biên soạn, đăng tải 345 tin, bài, ảnh, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, quần chúng đã mạnh dạn cung cấp 6.560 tin có giá trị, giúp lực lượng công an khám phá 1.650 vụ phạm tội, bắt 2.214 đối tượng và 470 đối tượng truy nã. Đồng thời, xuất hiện gần 475 cá nhân điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm được các cấp chính quyền và Công an tỉnh khen thưởng.

Đại tá Phan Văn Giữ, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và mọi tầng lớp nhân dân đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng như: bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, ban bảo vệ dân phố, tổ nhân dân tự quản và các mô hình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào…”.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>