Kịp thời xử lý tàn tích bom, mìn

20/01/2021 | 19:03 GMT+7

Chiến tranh đã lùi xa hơn 45 năm nhưng đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại, luôn tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến tính mạng người dân. Vậy nên công tác thu gom luôn được lực lượng công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xử lý kịp thời.

Lực lượng công binh thu gom an toàn quả bom trên đất của ông Nguyễn Hữu Thành, ở ấp Thạnh An, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh. Ảnh: VĂN NGUYỄN

Địa bàn Hậu Giang thời kháng chiến trước đây là nơi Trung đoàn 31 thuộc Sư đoàn 21 đóng quân và hoạt động nên sử dụng bom, mìn, vật liệu nổ đánh phá ác liệt. Thượng tá Trần Minh Luân, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cho biết: “Đơn vị thường xuyên chỉ đạo cơ quan công binh tổ chức rà soát các nơi trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch xác định cần thu gom bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh”.

Qua kết quả thống kê, rà soát trong giai đoạn 2016-2020, tất cả 75 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thu gom hơn 8 tấn bom, mìn, vật liệu nổ. Chỉ riêng trong năm 2020, lực lượng công binh thuộc Tỉnh đội đã thu gom hơn 2,5 tấn bom, mìn, vật liệu nổ. Qua đó, góp phần mang lại cuộc sống bình yên cho người dân. Đây vừa là nhiệm vụ nặng nề vừa là những chiến công thầm lặng mà người chiến sĩ công binh của tỉnh đã và đang thực hiện.

Hàng tháng, Ban công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức thu gom ở các đơn vị, địa phương khi có thông tin về bom, mìn, vật liệu nổ cần xử lý. Gần đây, Ban công binh đã tiến hành thu gom an toàn một quả bom trên phần đất của ông Nguyễn Văn Hiễm, ở ấp 8, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ. Theo ông Hiễm, trong quá trình đi thăm ruộng, ông tình cờ phát hiện quả bom và chủ động báo ngay với chính quyền địa phương để có hướng xử lý kịp thời.

Sau khi tiếp nhận tin báo từ địa phương và bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công binh đã thu gom an toàn quả bom, giúp gia đình cũng như bà con trong xóm của ông Hiễm an tâm sinh sống và lao động, sản xuất. Ông Hiễm phấn khởi nói: “Bơm, mìn là loại độc hại, nhất là trẻ em không biết lỡ chúng thấy rồi lấy vật cứng gõ vào thì hậu quả rất khó lường. Vì vậy, nhờ lực lượng chuyên môn xuống thu gom kịp thời nên bản thân tôi rất mừng”.

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Thành, ở ấp Thạnh An, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, cũng phát hiện quả bom lớn trong quá trình cải tạo đất ruộng để lên liếp chuẩn bị trồng khóm. Ông Thành kể, lúc máy múc đất ruộng đã tình cờ xúc lên nguyên quả bom này. Ngay sau khi nhận được tin báo, cán bộ Ban công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đến khảo sát trước khi tiến hành các biện pháp thu gom, xử lý đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Lực lượng chuyên môn nhận định, quả bom phát hiện trên phần đất canh tác của gia đình ông Nguyễn Hữu Thành nặng gần 300kg và có sức công phá mạnh, với khu vực hố rộng lớn hơn 200m2 khi bom phát nổ. Đáng nói là dù quả bom nằm lâu năm dưới đất, đã bị rỉ sét… nhưng vẫn còn rất nguy hiểm vì điều kiện chôn vùi nhiều ngày ngoài môi trường tự nhiên, lớp vỏ bị mục nên càng dễ phát nổ khi tác động không đúng kỹ thuật.

Ông Thành tâm sự: “Trong thời gian chờ lực lượng chuyên môn của Tỉnh đội xuống xử lý thì bản thân tôi lúc nào cũng cảm giác bất an. Tôi càng hồi hộp, lo lắng hơn mỗi khi đi làm ngang đây lúc thời tiết nắng nóng vì sợ bom nổ lúc nào không biết. Do đó, sau khi quả bom được thu gom xong, gia đình tôi, kể cả bà con xung quanh rất vui, yên tâm lao động, sản xuất và sinh sống. Chúng tôi chân thành biết ơn mấy chú cán bộ công binh của Tỉnh đội nhiều lắm”.

Trung úy Hồ Huy Hoàng, Trinh sát viên - Đại đội Trinh sát, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cho rằng: “Đối với những quả bom nguy hiểm thì trước hết phải xác định đây là loại bom gì, sau đó mới đề ra biện pháp kỹ thuật xử lý cho phù hợp nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và người dân trong quá trình thực hiện. Dù nguy hiểm, vất vả nhưng chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ phải hoàn thành để giúp người dân yên tâm trong cuộc sống và lao động, sản xuất”.

Theo kế hoạch định kỳ hàng tháng và hàng quý trong năm, lực lượng công binh Hậu Giang tổ chức các đợt thu gom. Biết rằng những tàng tích bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh rất nguy hiểm, khâu thu gom cũng không kém phần vất vả, nhất là có nhiều quả bom, mìn nằm sâu dưới mương nước nên họ phải lặn tìm từng dấu vết mới lấy được nó lên. Thế nhưng, những người lính công binh vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm để đảm bảo bình yên cho Nhân dân.

Thượng tá Trần Minh Luân, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, xác định: “Thời gian tới, đơn vị sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục xây dựng Đề án 2021-2025 về khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từng năm sẽ xây dựng kế hoạch hoạt động thu gom và đề nghị bổ sung kinh phí tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện hoạt động này. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh hiểu được sự nguy hiểm của bom, mìn, tránh thiệt hại về người và của xảy ra”.

Mỗi quả bom, mìn được thu gom đảm bảo an toàn cũng đồng nghĩa với việc góp phần mang đến cuộc sống bình yên cho người dân trước những nguy cơ thiệt hại do tàn tích của chiến tranh còn sót lại gây ra.

Theo thống kê cả nước, từ năm 1975 đến nay, bom, mìn còn sót lại phát nổ đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương. Riêng kết quả khảo sát và thống kê của Ban công binh thuộc Tỉnh đội, hiện trên địa bàn Hậu Giang còn hơn 51.000ha đất bị ô nhiễm bởi bom, mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Có nhiều địa phương, những vị trí đất ô nhiễm nằm sát nhau nên nguy cơ gây mất an toàn cho người dân là không nhỏ.

 

Bài, ảnh: G.NGUYỄN - V.NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>