Hoạt động góp phần nâng cao nhận thức phòng cháy, chữa cháy

20/10/2023 | 09:25 GMT+7

Thời gian qua, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh quan tâm phối hợp với ngành chức năng, địa phương tăng cường tổ chức thực tập phương án chữa cháy. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người về vấn đề này, hạn chế cháy nổ xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng chữa cháy cơ sở của Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý khách sạn TNH, thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Theo đó, hàng năm, đơn vị phối hợp với ngành chức năng, địa phương rà soát, khảo sát những nơi có nguy cơ cháy nổ cao như: chợ, công ty, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, cửa hàng xăng dầu... để xây dựng phương án chữa cháy phù hợp và tổ chức thực tập theo đúng kịch bản giả định.

“Việc thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là hết sức cần thiết. Bởi đây là dịp đánh giá lại hiệu quả công tác phối hợp giữa lực lượng chữa cháy cơ sở với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, kiểm tra hệ thống trang thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy của cơ sở… Đồng thời, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy sẽ rà soát, điều chỉnh, xây dựng kịch bản, tình huống cháy nổ giả định phù hợp cho từng nơi, để có phương án chữa cháy hiệu quả, khả thi khi xảy ra sự cố hỏa hoạn”, thượng tá Lê Hùng Cường, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh, cho biết.

Đơn cử mới đây, đơn vị phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý khách sạn TNH, ở phường I, thành phố Vị Thanh, tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Tình huống giả định là xảy ra cháy tại tầng hầm của khách sạn, nguyên nhân do chập điện từ hệ thống dẫn điện của một xe ôtô. Để thực hiện tốt cuộc thực tập, đơn vị cùng Ban Giám đốc công ty này dành hơn một tuần để nghiên cứu, xây dựng kịch bản chi tiết, phù hợp, nhất là ở khu vực có nhiều nguy cơ xảy ra cháy và hướng dẫn cho cán bộ, nhân viên thực hiện các biện pháp chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ sao cho đảm bảo an toàn.

“Nhờ tổ chức thực tập mà lực lượng chữa cháy cơ sở đã biết cách chủ động xử lý tình huống, khống chế, dập tắt đám cháy ngay khi ngọn lửa phát sinh, cũng như sẵn sàng phối hợp với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tham gia cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố cháy hiệu quả hơn”, ông Ngô Văn Liệu, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý khách sạn TNH, chia sẻ.

Đơn vị cũng vừa phối hợp với Công ty TNHH MTV Sản xuất, thương mại và dịch vụ xuất khẩu Minh Dũng, ở xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Tình huống giả định cháy là do chập điện. Theo lãnh đạo công ty này, công ty có tổng diện tích khoảng 4.000m2. Trong quá trình hoạt động, công ty có sử dụng vải sợi, nhựa tổng hợp, xăng, dầu, gỗ... được bố trí trong các xưởng và kho; có sử dụng nguồn điện để chiếu sáng và máy vi tính, thiết bị điện tử... Do đó, nếu xảy ra cháy sẽ dẫn đến cháy nhanh, cháy lan, ảnh hưởng rất lớn đến tài sản và sức khỏe công nhân.

Sau thời gian khảo sát, tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp dập tắt đám cháy ngay khi mới phát hiện và cứu người bị nạn ra bên ngoài, lực lượng chữa cháy cơ sở thực hiện rất tốt các động tác dùng bình chữa cháy, sử dụng vòi lăng, hướng dẫn công nhân thoát nạn, phối hợp với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp dập tắt đám cháy… Ngoài tổ chức thực tập phương án chữa cháy, đơn vị còn phối hợp với công ty tổ chức tuyên truyền cho công nhân kiến thức pháp luật về PCCC&CNCH và hướng dẫn kỹ năng xử lý tình huống cháy nổ ban đầu; kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy tại nhà ở, nhà chung cư, nơi tập trung đông người.

“Qua cuộc thực tập này, đã giúp cán bộ, công nhân của công ty nâng cao kiến thức về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhất là cách thức chữa cháy ban đầu. Chúng tôi sẽ yêu cầu cán bộ, công nhân thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy bằng cách để các vật dễ cháy xa nguồn nhiệt, nguồn điện; quan tâm kiểm tra các hệ thống điện để sửa chữa, thay thế kịp thời nếu hư hỏng”, bà Phan Thị Ngọc Hoa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất, thương mại và dịch vụ xuất khẩu Minh Dũng, khẳng định.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, đầu năm đến nay, đơn vị phối hợp với các cơ sở tổ chức thực tập 50 phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, có 630 lực lượng tham gia, 3.900 người dự; hướng dẫn 255 cơ sở tự tổ chức thực tập phương án chữa cháy. Qua đây, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, dân phòng, hộ dân trên địa bàn nắm được kiến thức cơ bản về cháy nổ; các biện pháp, cách xử lý tình huống cháy xảy ra theo tình huống giả định; thao tác sử dụng bình chữa cháy xách tay, chăn chữa cháy...

Đồng thời, giúp lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH nắm vững địa bàn, đặc điểm cơ sở, hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy. Từ đó, kịp thời triển khai công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nếu có sự cố cháy nổ, tai nạn xảy ra. “Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường khảo sát, xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của công tác này; phát động hiệu quả phong trào Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh”. thượng tá Lê Hùng Cường cho biết thêm.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>