Xác định đúng để giải quyết nhanh

23/11/2022 | 19:19 GMT+7

Hiện nay, các tranh chấp về đất đai chiếm phần lớn các tranh chấp dân sự, do đó, việc xác định được loại tranh chấp và cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết sẽ giúp người dân dễ dàng hơn khi gặp phải vướng mắc pháp lý phát sinh ?

Trường hợp người dân có tranh chấp liên quan đến đất đai, cần xác định được loại tranh chấp để yêu cầu đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Những tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh tiếp nhận hơn 5.500 vụ việc tranh chấp dân sự, trong đó các tranh chấp có liên quan đến đất đai chiếm gần 20% số vụ. Hiện nay, có nhiều loại tranh chấp đất như: tranh chấp quyền sử dụng, hợp đồng chuyển đổi đất; tranh chấp hợp đồng thuê, thế chấp, thừa kế quyền sử dụng đất; tranh chấp đòi đất cho mượn, ở nhờ, lấn chiếm...

Theo Tòa án nhân dân tỉnh, tình trạng tranh chấp đất đai xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân chính là do biến động giá đất với xu hướng giá trị quyền sử dụng đất tăng cao. Vì thế, việc tranh chấp liên quan đến đất diễn ra giữa nhiều đối tượng như: giữa anh em, cha con, bạn bè…, nhất là tranh chấp giữa hàng xóm với nhau diễn ra khá phổ biến.

Vừa qua, Tòa án nhân dân huyện Phụng Hiệp đưa vụ án tranh chấp đất đai giữa nguyên đơn ông là L., yêu cầu bị đơn là bà H. cùng ngụ xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, trả lại phần đất lấn chiếm có diện tích theo đo đạc thực tế chỉ 14,1m2.

Lý do khởi kiện là bởi ông L. cho rằng bị đơn là bà H. lấn ranh qua phần đất của gia đình ông. Tuy nhiên, phía bà H. lại không đồng ý, vì theo bà H. trước đó đã nhận chuyển nhượng phần đất trên với ông L. bằng thỏa thuận miệng, không có làm giấy, nên không đồng ý trả đất.

Hay như vừa qua, trình bày với Báo Hậu Giang, ông Trần Văn Hai, ngụ xã Vị Bình, cho biết, giữa ông và hàng xóm có xảy ra tranh chấp đất, bắt nguồn từ việc ông V. là hàng xóm cho rằng phía gia đình của ông Hai lấn đất. Cụ thể, theo ông V. phần đất của gia đình ông có chiều ngang 32m (thực tế sử dụng khoảng 31m), chiều dài 280m, còn phần đất của hộ ông Hai có chiều ngang 39m nhưng đang sử dụng đến 40m. Do bức xúc, hai gia đình xảy ra mâu thuẫn, nhưng ông Hai không biết phải nhờ chính quyền can thiệp hay khởi kiện ra tòa án huyện.

Để giải quyết các tranh chấp đấp đai, pháp luật đã có nhiều quy định điều chỉnh vấn đề này. Cụ thể, tại Điều 202, Luật Đất đai năm 2013 quy định về hòa giải tranh chấp đất đai, theo đó Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

Theo ông Nguyễn Hoàng Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, đối với tranh chấp đất đai, hòa giải tại UBND cấp xã là một quy trình bắt buộc hơn so với các tranh chấp dân sự khác. Tuy nhiên, trong trường hợp hòa giải không thành tại cấp xã thì tranh chấp được giải quyết như sau: Tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do tòa án giải quyết.

Với các tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 thì đương sự được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai sau: Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Còn theo luật sư Phan Văn Hùng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh: Khoản 1, Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 quy định, giải quyết tranh chấp đất đai theo trình tự tố tụng tại tòa án nhân dân được thực hiện theo quy định chung tại Bộ luật Tố tụng dân sự.

Theo đó, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khởi kiện vụ án tại tòa có thẩm quyền (tòa án nơi có bất động sản đó). Còn giải quyết tranh chấp đất đai theo trình tự hành chính sẽ được áp dụng đối với những tranh chấp mà các đương sự không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định và lựa chọn giải quyết tranh chấp tại UBND.

Cụ thể, nếu tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp huyện. Nếu một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Riêng đối với tranh chấp giữa tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài với nhau hoặc giữa các đối tượng đó với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thì các đương sự này có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Việc tranh chấp đất đai không được giải quyết ổn, sớm, có thể dẫn đến bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, sứt mẻ tình cảm. Do đó, người dân cần hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình trong việc quản lý, sử dụng, giao dịch đất đai để qua đó hạn chế thấp nhất tranh chấp có thể phát sinh.

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>