Tuyên truyền pháp luật về đất đai để tạo sự đồng thuận

06/10/2023 | 08:42 GMT+7

Khiếu nại về đất đai hiện chiếm gần 80% các khiếu nại của công dân. Từ thực tế trên có thể thấy, để người dân có thể đồng thuận, hạn chế được tình trạng khiếu nại, khiếu kiện thì quá trình triển khai công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, việc tuyên truyền, giúp dân hiểu và tuân thủ đúng luật là vô cùng cần thiết.

Lãnh đạo huyện Châu Thành gặp gỡ, tuyên truyền đến hộ dân có đất bị thu hồi khi triển khai dự án trên địa bàn huyện.

Thu hồi đất là một vấn đề nhạy cảm, phức tạp, tác động trực tiếp đến đối tượng sử dụng đất, đặc biệt là đến đời sống của người dân, hộ gia đình. Hầu như toàn bộ các công trình, dự án khi thực hiện công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đều có những khó khăn, vướng mắc như: Việc xác định nguồn gốc đất, giá đất, đơn giá tài sản, vật kiến trúc, cây trồng để tính bồi thường...

Mặt khác, khi có thay đổi về chính sách, đơn giá bồi thường, dễ dẫn đến sự so sánh, khiếu nại chính sách cũ và mới làm gián đoạn tiến độ thực hiện dự án. Trong khi đó, nhận thức và ý thức của một bộ phận người dân trong việc thực hiện chủ trương thu hồi đất, chính sách bồi thường chưa cao, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.

Tham gia một buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với người dân mới thấy được vai trò quan trọng, cần thiết của việc phổ biến, tuyên truyền các chính sách pháp luật, đặc biệt là các chính sách về đất đai đối với người dân trong khu vực quy hoạch, thu hồi đất.

Cụ thể, tại buổi đối thoại vào giữa tháng 9 vừa qua, 2 hộ dân trên địa bàn thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, chưa chấp nhận bàn giao mặt bằng để xây dựng dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 2. Có hộ chưa đồng tình với giá bồi thường nhà, có trường hợp lại yêu cầu được hưởng tái định cư.

Ông Lê Văn Út Mười, ngụ thị trấn Mái Dầm, trình bày, gia đình ông có căn nhà gần 100m2 bị ảnh hưởng dự án nhưng chỉ được hỗ trợ 70% giá trị nhà, vì vậy, gia đình bức xúc so sánh vì sao một số hộ khác trong ấp lại được bồi thường 100% và mong muốn được giải quyết bồi thường nhà và công trình cao hơn.    Tại đây, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trực tiếp giải thích về các quyền và nghĩa vụ của người dân khi Nhà nước thu hồi đất cho hộ dân biết.

Ông Hòa cho rằng, ông Mười cất nhà trên phần đất nông nghiệp, nhưng thời điểm xây dựng ông không bị lập biên bản, theo quy định khi xây dựng nhà trên địa bàn thị trấn Mái Dầm người dân phải xin giấy phép xây dựng, tuy nhiên trường hợp của ông Mười xây nhà nhưng không xin phép, do đó, khi thu hồi đất Nhà nước chỉ hỗ trợ 70% về giá trị nhà ở là đúng theo quy định pháp luật. Sau khi nghe lãnh đạo UBND tỉnh giải thích, hộ dân từ quyết liệt khiếu nại dần cũng đồng thuận.

Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều dự án lớn như cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 2, dự án nâng cấp đô thị thành phố Vị Thanh, Đường tỉnh 931B, 926B… Tất cả dự án này đều phải thu hồi đất với diện tích lớn, ảnh hưởng đến rất nhiều hộ. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mà đa phần người dân bị ảnh hưởng các dự án đều chấp hành tốt, nhiều hộ bàn chủ động giao mặt bằng trước hạn; khiếu nại, tố cáo cũng được hạn chế thấp nhất.

Ông Nguyễn Hoàng Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia, thành viên Đoàn công tác liên ngành giải quyết khiếu nại tỉnh, chia sẻ: Hiện nay, các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương người dân ít được tiếp cận và nếu muốn tiếp cận thì cũng ít biết hỏi cơ quan nào. Vì thế, đây là lĩnh vực thường hay xảy ra khiếu nại, tố cáo. Do đó, việc giúp người dân tiếp cận thông tin, đặc biệt là các thông tin về đất đai cũng là một cách để hạn chế các khiếu nại, tố cáo phát sinh…”.

“Tuy nhiên, phía người dân, cũng cần chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật, bởi việc chấp hành pháp luật là quyền và nghĩa vụ của công dân, công dân không thể viện dẫn lý do không được tuyên truyền, không biết quy định, mà không chấp hành hoặc làm trái pháp luật”, ông Mạnh chia sẻ thêm.

Còn ông Nguyễn Văn Ơn, ngụ ấp Phú Xuân, huyện Châu Thành, cho rằng: Về phía người dân, vì cuộc sống mưu sinh, cơm áo gạo tiền, nên nhiều khi không có thời gian tìm hiểu các quy định pháp luật, từ đó không biết rõ mình có quyền lợi gì và phải thực hiện trách nhiệm gì với Nhà nước.

“Theo tôi, khi được Nhà nước cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, nhất là các thông tin liên quan đến quy hoạch đất đai, giao thông, xây dựng, bồi thường,... sẽ giúp người dân hiểu rõ vấn đề, hạn chế việc phải vác đơn đi khiếu nại, tố cáo”, ông Ơn bày tỏ.

Để công tác thu hồi đất, triển khai dự án đạt hiệu quả cao, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó, công tác tuyên truyền, vận động, giải thích pháp luật cho người dân trong vùng ảnh hưởng quy hoạch, phải thu hồi đất là một trong những yếu tố quan trọng, tiên quyết.

Nếu làm tốt công tác trên sẽ góp phần giúp các công trình, dự án có thể triển khai đúng tiến độ và người dân bị ảnh hưởng cũng nắm bắt, thụ hưởng hợp lý những quyền, lợi ích chính đáng của mình.

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>