Trách nhiệm tiếp dân từ người đứng đầu cấp ủy

18/04/2023 | 04:59 GMT+7

Thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, Hậu Giang đã triển khai thực hiện rất nghiêm quy định này, đặc biệt khi Bí thư Tỉnh ủy nghiêm túc tiếp dân định kỳ, đột xuất lan tỏa đến ý thức, trách nhiệm cao hơn của lãnh đạo các cấp, ngành, đơn vị.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, tiếp hộ ông Nguyễn Văn Mười, ngụ thị xã Long Mỹ tại buổi tiếp công dân tháng 4-2023.

Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân gần gũi, trách nhiệm

Quy định số 11 có hiệu lực từ ngày 18-2-2019 nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân.

Đối với Hậu Giang, triển khai thực hiện Quy định số 11, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy các cơ quan, đơn vị, địa phương đã nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Từ đó, Tỉnh ủy đã ban hành quy chế quy định về trách nhiệm tiếp dân, xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị của dân đối với người đứng đầu cấp ủy.

Thời gian qua, với vai trò là người đứng đầu cấp ủy của Đảng bộ tỉnh, ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Hàng tháng, Bí thư Tỉnh ủy luôn sắp xếp lịch làm việc ít nhất 1 ngày/tháng để thực hiện việc tiếp công dân theo quy định.

Trong đó, cách làm là trước khi tiếp dân, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Nội chính Tỉnh ủy nghiên cứu kỹ hồ sơ, đối chiếu quy định của pháp luật, thực tế vụ việc, tìm hiểu thêm ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân, từ đó buổi tiếp dân được sắp xếp không cần đông thành phần lãnh đạo các cơ quan, mà chỉ những đơn vị trực tiếp, có liên quan, có trách nhiệm trong vụ việc tham gia tiếp, từ đó tạo sự gần gũi, thân tình với công dân.

Vừa qua, hộ ông Nguyễn Văn Mười, ở xã Tân Phú, thị xã Long Mỹ, được Bí thư Tỉnh ủy, tiếp tại buổi tiếp công dân định kỳ tháng 4-2023. 

Ông Mười là bị đơn trong vụ kiện tranh chấp quyền sử dụng đất, theo ông Mười, khi xét xử, tòa căn cứ vào tờ di chúc của mẹ ông để lại giao hết phần tài sản cho em trai, nên bản án số 34 của Tòa án nhân dân huyện Long Mỹ (cũ) buộc ông phải giao lại 7.700m2 đất cho người này. Sau khi bản án có hiệu lực, ông không đồng ý giao đất và tiếp tục khiếu nại dẫn đến việc không chấp hành án. UBND huyện Long Mỹ chuyển hồ sơ qua Công an huyện đề nghị khởi tố ông Mười tội không chấp hành án và Tòa án nhân dân huyện tuyên phạt ông 9 tháng tù.

Trong lúc khiếu nại, tháng 12-2012, kết luận của Phân viện Khoa học hình sự kết luận tờ di chúc trước đây là giả. Nay ông Mười yêu cầu cơ quan chức năng xem xét lại vụ việc do có dấu hiệu oan sai.

Nghe ý kiến trình bày của ông Mười và giải trình của các cơ quan có liên quan, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy, chân tình ghi nhận ý kiến của công dân. Đồng thời nhấn mạnh, việc giải quyết các kiến nghị của công dân trong mọi trường hợp, đều theo hướng đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp tốt nhất cho công dân.

Từ đó, Bí thư Tỉnh ủy kết luận, đối với trường hợp ông Nguyễn Văn Mười, đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh hướng dẫn ông Mười gửi đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại gửi đến Tòa án nhân dân thị xã Long Mỹ và có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc giải quyết theo quy định pháp luật.

Thực tế, tại tất cả các buổi tiếp công dân, người đứng đầu tỉnh đều có kết luận rõ ràng, “thấu tình, đạt lý”, giao trách nhiệm giải quyết cho cơ quan liên quan, thời gian hoàn thành và báo cáo kết quả cụ thể. Qua đó, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp, tạo niềm tin đối với người dân và bảo đảm thực thi nghiêm pháp luật.

Tiếp dân đi vào nề nếp

Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tất cả các kiến nghị, khiếu nại của người dân đều được người đứng đầu cấp ủy tiếp nhận, xem xét, chỉ đạo phân loại, nghiên cứu trong vòng 10 ngày làm việc phải có phương hướng giải quyết, nếu thuộc thẩm quyền thì người đứng đầu cấp ủy tiếp, giải quyết; nếu không thuộc thẩm quyền thì giao cơ quan có thẩm quyền giải quyết với yêu cầu về thời gian, sau đó báo cáo kết quả cụ thể, đó chính là yêu cầu trong việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại của người đứng đầu cấp ủy trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Tại huyện Châu Thành - trung tâm công nghiệp của tỉnh, việc giải phóng mặt bằng diện tích lớn để xây dựng khu công nghiệp, khu dân cư, đô thị, hạ tầng nên rất dễ phát sinh xung đột lợi ích.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Châu Thành, cho biết: “Chúng tôi xác định việc tiếp dân, đối thoại giải quyết khiếu nại, kiến nghị của dân là công việc thường xuyên của bí thư cấp ủy, hệ thống chính trị nhằm giải quyết những bức xúc của dân, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa cấp ủy, chính quyền với dân”.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, để làm tốt công tác tiếp công dân, người đứng đầu cấp ủy các cấp của huyện luôn chủ động bố trí thời gian, sắp lịch tiếp công dân định kỳ và đột xuất, tạo mọi điều kiện để công dân gặp gỡ người đứng đầu cấp ủy. Đồng thời, lãnh đạo Huyện ủy cũng thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác này đối với các địa phương.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Quy định số 11 tại các địa phương, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ giải quyết đạt cao. Cùng với việc tiếp dân định kỳ, người đứng đầu cấp ủy các cấp quan tâm và dành thời gian tổ chức tiếp xúc, đối thoại với cán bộ, hội viên, đoàn viên và người dân để lắng nghe, tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, kiến nghị, đề xuất của người dân. Từ đó xem xét, chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh của người dân, không để phát sinh các vụ việc phức tạp về khiếu kiện đông người, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>