Tìm hiểu pháp luật: Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm

28/10/2021 | 08:48 GMT+7

Ngày 21 tháng 11 năm 2007, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Nhằm giúp cán bộ, công chức và Nhân dân tìm hiểu những quy định của luật, Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh xin giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật dưới dạng hỏi - đáp sau:

Hỏi: Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm giải thích như thế nào về bệnh truyền nhiễm; tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm ?

Đáp: Khoản 1, 2, 7 Điều 2 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định:

- Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

- Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm là vi-rút, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm có khả năng gây bệnh truyền nhiễm.

- Người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm là người tiếp xúc hoặc người có biểu hiện triệu chứng bệnh truyền nhiễm nhưng chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Hỏi: Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm giải thích như thế nào là dịch; vùng có dịch; vùng có nguy cơ dịch ?

Đáp: Khoản 13, 14, 15 Điều 2 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định:

- Dịch là sự xuất hiện bệnh truyền nhiễm với số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh dự tính bình thường trong một khoảng thời gian xác định ở một khu vực nhất định.

- Vùng có dịch là khu vực được cơ quan có thẩm quyền xác định có dịch.

- Vùng có nguy cơ dịch là khu vực lân cận với vùng có dịch hoặc xuất hiện các yếu tố gây dịch.

Hỏi: Cho biết nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm ?

Đáp: Điều 4 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm:

- Lấy phòng bệnh là chính trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát bệnh truyền nhiễm là biện pháp chủ yếu. Kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

- Thực hiện việc phối hợp liên ngành và huy động xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; lồng ghép các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

- Công khai, chính xác, kịp thời thông tin về dịch.

- Chủ động, tích cực, kịp thời, triệt để trong hoạt động phòng, chống dịch.

Hỏi: Nhà nước có chính sách gì về phòng, chống bệnh truyền nhiễm ?

Đáp: Theo Điều 5 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định chính sách của Nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm:

- Ưu tiên, hỗ trợ đào tạo chuyên ngành y tế dự phòng.

- Ưu tiên đầu tư nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, hệ thống giám sát phát hiện bệnh truyền nhiễm, nghiên cứu sản xuất vắc-xin, sinh phẩm y tế.

- Hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu khoa học, trao đổi và đào tạo chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

- Hỗ trợ điều trị, chăm sóc người mắc bệnh truyền nhiễm do rủi ro nghề nghiệp và trong các trường hợp cần thiết khác.

- Hỗ trợ thiệt hại đối với việc tiêu hủy gia súc, gia cầm mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

- Huy động sự đóng góp về tài chính, kỹ thuật và nhân lực của toàn xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

- Mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực và trên thế giới trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Hỏi: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm ?

Đáp: Theo Điều 7 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm có trách nhiệm:

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau khi có dịch xảy ra và tuân thủ, chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo chống dịch.

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích