Quyết liệt với tội phạm tín dụng đen

08/03/2023 | 09:26 GMT+7

Với khả năng len lỏi đến mọi vùng quê, tiếp cận nhiều đối tượng, nạn cho vay lãi nặng (tín dụng đen) có thể khiến nhiều người dân ngập trong nợ nần, bị đe dọa, gây thương tích. Đặc biệt, loại tội phạm này hiện nay cũng đã có nhiều biến tướng với cách thức hoạt động đa dạng, qua đó đặt ra thách thức với cơ quan chức năng.

Trần Trọng Cương thời điểm bị bắt.

Có thể hiểu tín dụng đen thực chất là hình thức tín dụng tư nhân chuyên cho vay với mức lãi suất cao, không nằm trong khuôn khổ hoạt động của các tổ chức tín dụng hợp pháp, không theo các quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng, ngân hàng. Bởi nếu trần lãi suất cho vay của ngân hàng khoảng 9% đến khoảng 15%/năm, thì khi tham gia vay tín dụng đen, người vay thường phải chịu mức lãi suất từ 100% đến 200%/năm, thậm chí lên đến 300%/năm.

Theo luật sư Phan Văn Hùng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, hiện nay, việc cho vay và vay tiền ngoài các tổ chức tín dụng là quan hệ dân sự và không bị cấm. Hoạt động này chỉ vi phạm pháp luật khi việc cho vay được xác định là có lãi suất vượt quy định và người cho vay tiền có tính chất “chuyên bóc lột”; hoặc có những hành vi bất hợp pháp khác, như đe dọa, cưỡng bức, lừa dối trong giao dịch cho vay và đòi nợ vay...

 Thực tế, cho vay lãi nặng hiện đa dạng về hình thức, không khó nhận diện, nhưng không dễ bắt quả tang do có nhiều chiêu thức qua mặt cơ quan chức năng.

Theo Công an tỉnh, những đối tượng cho vay lãi nặng thường tổ chức nhắn tin, phát, dán tờ rơi, quảng cáo tại các khu dân cư, cột đèn… với nội dung rất hấp dẫn như “Cho vay không cần thế chấp, nhận tiền ngay”, “Alo là có tiền…” kèm theo số điện thoại liên lạc. Bên cạnh đó, hiện cũng đã xuất hiện hình thức tín dụng đen với việc cho qua các app trên không gian mạng…

Vay tín dụng đen sẽ phát sinh lãi mẹ đẻ lãi con, sau một thời gian ngắn con nợ khó có khả năng thanh toán. Nếu đến hạn mà người vay không trả thì các đối tượng sẽ sử dụng nhiều cách đòi nợ như thường xuyên nhắn tin, gọi điện thoại khủng bố tinh thần, chửi bới, tạt sơn hoặc các chất dơ bẩn vào nhà, ép buộc người vay mua hàng trả góp có giá trị lớn rồi chiếm đoạt, đập phá nhà cửa, đánh đập gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật…

Thời gian qua, không chỉ đẩy mạnh công tác phòng ngừa, trên cơ sở các nguồn tin do quần chúng nhân dân tố giác tội phạm tín dụng đen, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh cũng đã đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng, chống đối với loại tội phạm này.

Thống kê từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh phát hiện 6 vụ việc có biểu hiện liên quan đến hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (lãi suất cho vay từ 180% đến 360%/năm).

Điển hình như trong tháng 2-2023 vừa qua, Tòa án nhân dân thành phố Vị Thanh đã đưa ra xét xử vụ án cho vay lãi nặng xảy ra trên địa bàn thành phố đối với bị cáo Trần Trọng Cương, ngụ phường III, thành phố Vị Thanh.

Theo kết quả điều tra, từ tháng 6-2017, do làm ăn thua lỗ nên một cặp vợ chồng ở thành phố Vị Thanh nhiều lần vay của Trần Trọng Cương với tổng số tiền hơn 1,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 7-2018, tức sau 13 tháng, tổng số lãi và gốc được Cương tính lên đến hơn 4,4 tỉ đồng, trong đó tiền lãi gần 2,7 tỉ đồng. Do số nợ quá lớn, hai vợ chồng người vay đã chuyển nhượng quyền sử dụng hai thửa đất ở thành phố Vị Thanh cho vợ Cương để cấn trừ số nợ. 

Tiếp tục mở rộng điều tra, cơ quan chức năng phát hiện ngoài vụ việc trên, từ năm 2018, Cương còn cho 3 trường hợp khác vay với số lãi suất cao gấp 5,4 lần mức lãi suất cao nhất pháp luật cho phép, qua đó thu lợi bất chính với tổng số tiền 422 triệu đồng của các bị hại. Căn cứ các tình tiết và nội dung vụ án, Tòa án nhân dân thành phố Vị Thanh đã tuyên phạt Trần Trọng Cương mức án 6 tháng tù về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Theo nhận định UBND tỉnh, trong năm 2023 cũng như thời gian tới, hoạt động giao dịch về tài chính, trong đó có hoạt động vay, trả tiền được thực hiện phổ biến trên không gian mạng, nhất là thông qua các app. Đồng thời, tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu vay tiền để sản xuất, kinh doanh là rất lớn, một bộ phận người dân không có tài sản sẽ tìm đến các đối tượng cho vay “bất hợp pháp” để vay mượn...

 Với những điều kiện đó, dự báo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” sẽ diễn biến phức tạp. Về địa bàn hoạt động, chủ yếu là các địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội, địa bàn nông thôn, nguyên nhân là do công tác phòng ngừa tội phạm nơi này còn hạn chế, trình độ nhận thức một bộ phận người dân ở đây chưa cao; các đối tượng sẽ hoạt động tinh vi với nhiều thủ đoạn mới để đối phó cơ quan chức năng.

Với tình hình phức tạp và tác hại khôn lường của loại tội phạm này, trong năm 2023, UBND tỉnh chỉ đạo ngành công an tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công tội phạm và triệt xóa các băng nhóm tội phạm có biểu hiện hoạt động liên quan “tín dụng đen”; tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn và kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi liên quan đến “tín dụng đen”, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động, gây mất an ninh, trật tự.

Về phía các cấp chính quyền và Nhân dân cần đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tuyên truyền sâu rộng phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm tín dụng đen để người dân nâng cao cảnh giác, phát hiện và tố giác tội phạm.

Bài, ảnh: Đ.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>