Nhiều ý kiến tâm huyết cho Luật Nhà ở (sửa đổi)

27/09/2023 | 04:55 GMT+7

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương, 196 điều, quy định về sở hữu, phát triển, quản lý vận hành, sử dụng và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam. Trong đó, có các quy định liên quan đến nhà ở xã hội đang dành được sự quan tâm rất lớn của cử tri và đại biểu. 

Nhân Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức, phóng viên ghi nhận ý kiến một số đại biểu.

Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh: Đồng tình quy định Tổng Liên đoàn Lao động tham gia đầu tư nhà ở xã hội

- Qua theo dõi dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), tôi hoàn toàn nhất trí với kết cấu, bố cục của dự án luật, qua đó dự thảo đã bổ sung, sửa đổi, hoàn chỉnh các quy định nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nhà ở, phù hợp với thực tế hiện nay.

Đối với dự thảo Điều 78 quy định hình thức phát triển nhà ở xã hội, tôi thống nhất với quy định về việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Về vấn đề này, tôi cho rằng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia dự án nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn là giúp tăng cường nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người có thu nhập thấp; bởi đối tượng công nhân là đối tượng được hưởng chính sách xã hội mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có vai trò rất quan trọng, là nơi đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Bên cạnh đó, tại Điều 81 quy định đất để xây dựng nhà ở xã hội, tôi đồng tình với phương án quy định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại tại các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án làm nhà ở xã hội, hoặc dùng quỹ đất ở vị trí khác, hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất.

Tôi cho rằng, đây là phương thức thể hiện tính linh hoạt, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng giai đoạn. Điều này thể hiện trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, góp phần gia tăng nguồn cung nhà ở xã hội ngay trong đô thị, đáp ứng nhu cầu của người dân có thu nhập thấp.

Ông Nguyễn Công Tâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng: Linh động trong tỷ lệ phần trăm quỹ đất dành cho nhà ở xã hội

- Qua theo dõi nội dung dự thảo, tôi cơ bản thống nhất với các nội dung trọng tâm. Tuy nhiên, tôi cũng có một số vấn đề góp ý đối với dự thảo luật, cụ thể như về trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, chúng ta cần tiếp tục kế thừa Luật Nhà ở hiện hành, vẫn quy định trách nhiệm xã hội đối với các chủ đầu tư nhà ở thương mại trong quá trình triển khai các dự án. Tuy nhiên, trên cơ sở kế thừa, nhưng vẫn linh động cách làm, trước đây chúng ta quy định phải dành 20% quỹ đất trong dự án để làm nhà ở xã hội, còn nay có thể giao cho Chính phủ có thể điều chỉnh, quy định cụ thể trách nhiệm hoặc tỷ lệ của chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, đối với Điều 80 của dự thảo về loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội: Cụ thể, dự thảo quy định “nhà ở xã hội là nhà chung cư, được đầu tư xây dựng theo dự án, phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp dự án nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng tại xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của Thủ tướng Chính phủ thì được xây dựng nhà ở riêng lẻ”.

Tôi cho rằng, vấn đề này có thể giao Chính phủ quy định cụ thể loại hình nhà ở đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng núi… nơi có quỹ đất lớn, hoặc tập quán sinh sống của người dân khác biệt, nếu quy định cứng trong luật là loại nhà là nhà chung cư hoặc nhà ở riêng lẻ sẽ không phù hợp với từng vùng miền, địa phương. Do đó, tôi đề xuất không quy định loại hình nhà ở xã hội trong luật mà giao cho địa phương chủ động xem xét phù hợp với điều kiện thực tế. 

Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Sở Công thương: Tạo điều kiện tốt nhất để các nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách

 - Nghiên cứu dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), tôi đồng tình rất cao các điểm mới được bổ sung vào dự thảo. Tuy nhiên, tôi cho rằng dự thảo cần quy định rõ thêm một số nội dung.

Cụ thể như, quy định tại Điều 74 về đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, trong dự thảo luật đã quy định rất nhiều nhóm đối tượng trong diện thụ hưởng như hộ gia đình nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn, hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp… Thực tế thời gian qua cho thấy, việc tiếp cận với các chính sách nhà ở xã hội đối với các nhóm đối tượng trên rất khó khăn.

Do đó, tôi mong rằng cơ quan soạn thảo lần này cần bám sát với các nhóm đối tượng, khi quy định các nhóm đối tượng và các điều kiện kèm theo thì cần đảm bảo các nhóm đối tượng này có thể tiếp cận được với chính sách, từ đó mới đảm bảo quy định pháp luật đi vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, về trách nhiệm địa phương tạo quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, tôi đề nghị cần bổ sung thêm nội dung này vào dự thảo luật và cần xem xét theo quy mô của từng địa phương. Qua đó, có thể quy định cụ thể tỷ lệ quỹ đất dành để xây dựng nhà ở xã hội, tránh tình trạng có địa phương dư thừa quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, có địa phương lại thiếu như hiện nay.

B.B ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích