Nhiều kinh nghiệm hay trong phổ biến pháp luật

18/10/2023 | 10:36 GMT+7

Những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đưa các chính sách pháp luật đi vào cuộc sống.

Hội thảo “Giải pháp đổi mới hoạt động của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật” do Sở Tư pháp tổ chức.

Nhân Hội thảo “Giải pháp đổi mới hoạt động của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật” do Sở Tư pháp tổ chức vừa qua, phóng viên Báo Hậu Giang ghi nhận ý kiến của một số đại biểu về kinh nghiệm hay trong công tác PBGDPL.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Trưởng phòng Tư pháp huyện Châu Thành A: Quá trình đưa pháp luật vào cuộc sống được bắt đầu bằng hoạt động PBGDPL, đây là khâu đầu tiên của hoạt động thực thi pháp luật, là cầu nối để truyền tải pháp luật vào cuộc sống. Nhận thức được vấn đề trên và cùng với làn sóng phát triển của công nghệ thông tin, thời gian qua, huyện Châu Thành A tổ chức các hoạt động PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc đổi mới hình thức tuyên truyền PBGDPL.

Cụ thể, trước đây khi chưa hướng dẫn cấp xã đổi mới hình thức thì khi có văn bản cần triển khai, các xã, thị trấn sẽ triển khai bằng hình thức tuyên truyền trực tiếp là chủ yếu, hạn chế của hình thức này là số lượng người nghe có giới hạn, một số người dân mời nhưng không tham dự, về lâu về dài tạo cảm giác nhàm chán. Do đó, hiện nay việc triển khai các văn bản mới trên địa bàn huyện được triển khai qua nhiều hình thức như: tuyên truyền miệng, qua biên soạn tài liệu dạng hỏi đáp, thi tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền pháp luật qua mạng xã hội (qua zalo)…

Bên cạnh đó, Phòng Tư pháp còn hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng 13 mô hình tuyên truyền pháp luật và hòa giải, tiêu biểu như: Mô hình PBGDPL trong đồng bào tôn giáo, dân tộc tại thị trấn Bảy Ngàn, Cái Tắc; PBGDPL qua nhóm zalo gắn kết giữa tuyên truyền viên pháp luật và người dân tại xã Nhơn Nghĩa A,… các mô hình đã và đang được triển khai mạnh mẽ.

Để hoạt động PBGDPL đạt được kết quả tốt hơn nữa, thời gian tới, huyện Châu Thành A nhận thấy rằng cần thường xuyên rà soát, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ người làm công tác PBGDPL. Đặc biệt, tận dụng tối đa nguồn nhân lực tại địa phương và phát huy vai trò của người có uy tín ở địa phương trong công tác PBGDPL.

Cùng với đó, tập trung và chú trọng đổi mới về nội dung và hình thức. Về nội dung tuyên truyền phải phù hợp với trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân, với lứa tuổi, từng đối tượng đặc thù với tình hình thực tiễn của địa phương.

Ông Trần Minh Quang, Trưởng phòng Tư pháp thành phố Ngã Bảy: Những năm qua, trên cơ sở cụ thể hóa các kế hoạch của UBND tỉnh, thành phố Ngã Bảy, đơn vị phối hợp các ngành và chỉ đạo xã, phường kiện toàn lại báo cáo viên, tuyên truyền viên trên địa bàn. Đồng thời, củng cố các câu lạc bộ, các mô hình tuyên truyền phổ biến ở xã, phường, các ấp, khu vực.

Đến nay, trên địa bàn thành phố có nhiều mô hình hay như: mô hình tuyên truyền trong đồng bào Công giáo; mô hình tuyên truyền cho người sau khi chấp hành cai nghiện về nơi cư trú; mô hình ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền pháp luật; tổ tuyên truyền phổ biến pháp luật ở khu dân cư; thanh niên tuyên truyền pháp luật...

Có thể thấy, qua thực tiễn công tác PBGDPL trên địa bàn thành phố hiện nay cho thấy, việc triển khai các mô hình là cách làm hay, song đơn vị cũng nhận thấy rằng cán bộ phụ trách các mô hình của phường, xã đa phần kiêm nhiệm. Mặt khác, tỷ lệ người dân tham dự các mô hình, câu lạc bộ pháp luật còn khá hạn chế. Trong khi đó, hiện nay thông tin đại chúng rất đa dạng nên người dân dễ dàng tiếp cận tìm hiểu và tra cứu khi cần thiết hoặc có thể gặp trực tiếp cán bộ, công chức tư pháp để được tư vấn hướng dẫn theo từng lĩnh vực, do đó việc dành thời gian tham gia các mô hình cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. 

Từ đó, đơn vị nhận thấy rằng, để nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình PBGDPL, cần lựa chọn người có tâm huyết chuyên môn, kiến thức khá để làm nòng cốt quản lý. Cần đa dạng các hình thức mô hình về chiều sâu, tuyên truyền tập trung các vấn đề người dân quan tâm, lồng ghép vào các cuộc họp dân và các cuộc hòa giải; ngoài ra, thường xuyên củng cố và nâng chất các mô hình, từ đó giúp các mô hình phát huy hiệu quả.

Ông Trần Văn Mười, Trưởng phòng Tư pháp huyện Châu Thành: Thời gian qua, triển khai thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã tạo chuyển biến căn bản về hiệu quả của hoạt động PBGDPL trên địa bàn huyện với việc huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia công tác PBGDPL. Bên cạnh chú trọng việc tuyên truyền, huyện Châu Thành cũng chú trọng việc xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm, có hiệu quả về PBGDPL có thể kể đến như mô hình “Ngày thứ sáu tuần cuối tháng nghe dân nói” ở xã Đông Phước A; mô hình “Hòa giải 5 tốt”,… Đến nay, Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện có 30 thành viên, trong đó Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện; cùng với các thành viên hội đồng là đại diện lãnh đạo của các phòng, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện.

Toàn huyện hiện có 25 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 102 tuyên truyền viên cấp xã. Các báo cáo viên pháp luật huyện công tác ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến pháp luật… Các lực lượng khác như: công chức tư pháp xã, thị trấn; hòa giải viên ở cơ sở; cộng tác viên trợ giúp pháp lý; giáo viên dạy môn giáo dục công dân... cũng tham gia vào công tác PBGDPL ngày càng tích cực và chủ động.

Để công tác PBGDPL đi vào đời sống, phát huy hiệu quả hơn, ngành tư pháp huyện thời gian tới sẽ tiếp tục quan tâm đổi mới về nội dung, hình thức, tăng cường giải pháp thu hút sự tham gia tích cực của các lực lượng vào công tác này. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để pháp luật đi vào cuộc sống, đi sâu vào nhận thức của người dân.

B.B ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>