Người dân quan tâm nhất đến vấn đề bồi thường và tái định cư

12/04/2023 | 07:48 GMT+7

Qua tổng hợp các ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh, vấn đề bồi thường và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là lĩnh vực được người dân quan tâm, đóng góp nhiều nhất các ý kiến.

Một góc quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn thành phố Vị Thanh.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn tỉnh đã ghi nhận 486 lượt ý kiến góp ý về nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất được các đại biểu, người dân quan tâm nhiều nhất, với 121 lượt ý kiến góp ý; kế đến là vấn đề về tài chính đất đai, giá đất, với 75 lượt ý kiến và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có 55 lượt ý kiến góp ý.

Đảm bảo điều kiện sống “bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”

Góp ý về vấn đề bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, phần lớn các ý kiến đề nghị cần thể chế hóa các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi.

Cụ thể, các ý kiến đều đồng tình cho rằng, việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất và cần được thực hiện một cách công khai, có giám sát theo đúng quy định về giá, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân, đồng thời, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất cũng phải bảo đảm khách quan, dân chủ, công khai, kịp thời, nhằm tránh xảy ra các tranh chấp dai dẳng kéo dài dễ trở thành điểm nóng.

Trong đó, nhiều ý kiến đóng góp của đội ngũ cán bộ, công chức, người dân trên địa bàn tỉnh đều đồng tình đề nghị làm rõ nội dung, tiêu chí để nhận dạng Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống “bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”, theo đa số các ý kiến, để đảm bảo tiêu chí này, cần có tiêu chuẩn, thước đo cụ thể hoặc đề nghị thành lập đơn vị độc lập để đánh giá khách quan.

Trước đó, đóng góp về nội dung này, bà Nguyễn Thanh Thủy, nguyên Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho rằng, tiêu chí “tốt hơn nơi ở cũ” cũng cần được ghi rõ trong luật là như thế nào. Theo bà Thủy, vấn đề này liên quan đến đảm bảo các điều kiện cụ thể hỗ trợ tái định cư. Ví dụ, để đảm bảo tính công khai, minh bạch, các quy định của luật cũng phải có quy định về mức sống tối thiểu ở nơi tái định cư; cùng với đó, cần quy định rõ việc thực hiện đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống lâu dài cho người có đất bị thu hồi…

“Việc này sẽ tránh tình trạng đơn vị hay nhà đầu tư nói “tốt hơn nơi ở cũ” nhưng trên thực tế, người dân không nhận thấy như vậy”, bà Thủy chia sẻ.

Cần có tái định cư trước khi thu hồi

Đối với vấn đề tái định cư, rất nhiều ý kiến đề xuất cần quy định về điều kiện khu tái định cư như thế nào là đảm bảo và phù hợp. Trong đó, cần phải có những quy định cụ thể hơn như dựa trên quy mô dân số để thành lập khu tái định cư có diện tích tương xứng. Từ diện tích, dân số của khu tái định cư này sẽ có những quy định về công trình phụ cận như đường giao thông bao nhiêu mét, dịch vụ y tế có bao nhiêu giường, cần xây dựng bao nhiêu lớp học, trường học,...

Đồng thời, đa số đại biểu cho rằng, dựa trên những tiêu chí trên để lựa chọn khu đất thích hợp, tránh lãng phí và trên hết là đảm bảo đời sống của người dân được phục vụ tốt nhất khi đã vào sống ở khu tái định cư. Tránh những trường hợp khi đã vào ở rồi lại không có đường, không có điện, không có nước, có thể các công trình vẫn thực hiện mục tiêu là “đảm bảo” và “phù hợp” nhưng chỉ đảm bảo và phù hợp cho một số ít hộ dân, chứ không đảm bảo cho tất cả.

Mặt khác, việc quy định cụ thể thời gian hoàn thành khu tái định cư trước khi thu hồi đất và các phương án hỗ trợ, bồi thường thay thế nếu cơ quan chức năng chưa hoàn thành công trình này để người dân tái định cư, cũng là vấn đề rất quan trọng. Bởi thực tế có trường hợp bàn giao đất xong, nhưng khi tái định cư chưa xây dựng xong, người dân phải ở tạm bợ nơi khác để chờ đợi, gây khó khăn cho đời sống.

Theo ông Phạm Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, các nội dung góp ý Luật Đất đai của người dân đều được tổng hợp đầy đủ và báo cáo về cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Thông qua các ý kiến góp ý của người dân trên địa bàn tỉnh, kỳ vọng sẽ được cơ quan soạn thảo tiếp thu, ghi nhận, qua đó giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất, đảm bảo hài hòa hơn nữa về quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, góp phần phát huy dân chủ, hạn chế được tình trạng khiếu kiện về đất.

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>