Nếu dự án nhà ở thương mại thì cần thỏa thuận với người sử dụng đất bị thu hồi

27/02/2023 | 05:31 GMT+7

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bà Lê Thị Thanh Lam, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, nói việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 là rất cần thiết.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ quy định chặt chẽ hơn công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Luật Đất đai 2013 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-7-2014. Sau gần 10 năm áp dụng, luật phát sinh những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện dẫn đến nhiều hệ lụy, một số cá nhân và tổ chức lợi dụng kẽ hở của luật để tham nhũng, trục lợi, gây lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước.

Nhằm rà soát và điều chỉnh luật được hoàn thiện hơn, bà Lê Thị Thanh Lam có nhiều góp ý cho dự thảo đạo luật này.

Theo Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, khoản 26, Điều 3 về giải thích từ ngữ quy định: “Cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là cá nhân trực tiếp sản xuất và có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối, không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội khác”, quy định này mâu thuẫn với nội dung được quy định khoản 2 Điều 32 của Hiến pháp năm 2013, đó là “Quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”.

Vì vậy, bà Lam đề nghị cần giải thích rõ cụm từ cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp theo quy định khoản 26 Điều 3 cho phù hợp nội dung quy định tại khoản 2 Điều 32 của Hiến pháp nhằm giải quyết việc nhận chuyển nhượng, nhận cho, tặng, thừa kế đất trồng lúa đối với người được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội khác để đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của người dân theo quy định của pháp luật.

Về phân loại đất, điểm a khoản 1 Điều 10 quy định: Đất trồng cây hàng năm gồm đất chuyên trồng lúa, đất trồng lúa còn lại và đất trồng cây hàng năm khác”, bà đề nghị bỏ cụm từ “đất trồng lúa còn lại”, sau khi hoàn chỉnh là: Đất trồng cây hàng năm gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác”.

Giải thích thêm, Phó trưởng Đoàn nói vì trong dự thảo đã sử dụng cụm từ “đất chuyên trồng lúa” là biểu đạt các loại đất được sử dụng vào mục đích trồng lúa và không sử dụng vào các mục đích khác như trồng rau, hoa, cây cảnh hoặc các cây lương thực khác. Đồng thời, để tránh gây sự khó hiểu về nội dung của điều này, đề nghị tại Điều 3 bổ sung giải thích từ ngữ “đất chuyên trồng lúa”.

Ở khoản 3 Điều 38 quy định thu hồi đất khi giải thể, phá sản của tổ chức kinh tế là doanh nghiệp, tuy nhiên, trong thực tế khi các doanh nghiệp bị dừng hoặc thu hồi giấy đăng ký kinh doanh, nhưng không làm thủ tục giải thể, phá sản khi các doanh nghiệp bị dừng hoặc thu hồi giấy đăng ký kinh doanh. Vậy nên bà Lê Thị Thanh Lam đề nghị Ban soạn thảo có hướng dẫn cụ thể hơn đối với nội dung trên, tạo điều kiện cho việc quản lý được thuận lợi hơn khi một số doanh nghiệp không làm thủ tục giải thể, phá sản khi dừng hoạt động.

Đối với việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, Phó trưởng Đoàn đề nghị phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống ở nơi mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, nên phải có quy định cụ thể, nhằm đảm bảo quyền lợi khi người có đất bị thu hồi.

Điều 78 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, lãnh đạo Đoàn đồng tình với nội dung trong dự thảo, song yêu cầu cần xem xét, đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa người sử dụng đất, nhà đầu tư và người quản lý, phải đảm bảo đồng thuận việc thu hồi đất và có sự tách bạch rõ ràng từ mục đích sử dụng đất… Nếu dự án nào thực sự vì mục đích công cộng, vì quốc phòng - an ninh thì Nhà nước phải thu hồi bằng cơ chế hành chính. Còn đối với các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội,… các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và ngay cả các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện tự chủ về mặt tài chính thì cần thỏa thuận với người sử dụng đất bị thu hồi đất theo cơ chế thị trường.

Bà Lam cũng trao đổi nhiều về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân; tại khoản 2 Điều 171, bà đề nghị bổ sung thêm 1 điểm c, đó là “Năng lực, trình độ, quy mô sản xuất nông nghiệp và năng lực tài chính của người sử dụng đất”.

Giải thích việc đề nghị này, Phó trưởng Đoàn cho rằng, vì việc xác định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phải căn cứ vào các yếu tố gồm điều kiện đất đai và công nghệ sản xuất; chuyển dịch lực lượng lao động, cơ cấu kinh tế; quá trình đô thị hóa là cần thiết. Trên thực tế, việc nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp là quá trình tự nguyện giữa những người sử dụng đất với nhau, chỉ những người sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả mang lại lợi nhuận thì mới có nhu cầu mở rộng quy mô đất nông nghiệp để phát triển sản xuất. Hơn nữa, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người nhận chuyển nhượng phải trả cho người chuyển nhượng một khoản tiền tương ứng với giá trị của quyền sử dụng đất. Vì vậy, người nhận chuyển nhượng phải có năng lực tài chính thực sự.

Cần quy định rõ về tài chính đất và giá đất

 

Bà Lê Thị Thanh Lam: Về tài chính về đất đai, tôi đề nghị Ban soạn thảo có quy định rõ về các khoản thu tài chính từ đất đai; các khoản thu từ dịch vụ công về đất đai; căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; việc điều tiết nguồn thu từ đất; các trường hợp miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Về giá đất, tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu và làm rõ về nguyên tắc, phương pháp định giá đất; kỳ ban hành bảng giá đất, các trường hợp áp dụng bảng giá đất, giá đất cụ thể; quy định về Hội đồng thẩm định giá đất; tư vấn xác định giá đất, quyền và nghĩa vụ của tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất.

 

T.THỨC lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích