Mặt trái của “cò lúa”

27/12/2021 | 07:48 GMT+7

Thời gian qua, bà con nông dân các tỉnh miền Tây quen thuộc với hai từ “cò lúa”, bởi thông qua lực lượng trung gian này, người dân và thương lái có thể mua bán lúa một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các “cò lúa” không phải lúc nào cũng mang tính tích cực, khi mà mới đây, Công an tỉnh liên tục phá các chuyên án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến các đối tượng “cò lúa”.

Nguyễn Văn Út. Ảnh: THẾ PHONG

Sau thời gian điều tra, xác minh, mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh ra quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam 3 “cò lúa” là Nguyễn Minh Triều (sinh năm 1984), Lê Văn Dủ (sinh năm 1989) và Nguyễn Văn Út (sinh năm 1981), cùng trú tỉnh Hậu Giang để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo kết quả điều tra, vào khoảng tháng 6-2021, Út, Triều, Dủ và một số đối tượng liên quan đưa ra thông tin gian dối với một thương lái ở thành phố Cần Thơ là Út có mua bao tiêu số lượng lớn lúa của nông dân. Để người này tin tưởng ký hợp đồng mua bán lúa, các đối tượng còn dẫn ra đồng xem lúa, nhưng sau khi nhận cọc 580 triệu đồng thì cả bọn chia nhau tiêu xài, không giao lúa và tìm cách né tránh.

Làm việc với cơ quan công an, Út, Triều, Dủ khai có làm giả hợp đồng mua bán lúa với nông dân để ký hợp đồng mua bán lúa với một công ty chế biến lương thực ở thành phố Cần Thơ và chiếm đoạt của công ty này hơn 1 tỉ đồng. Ngoài ra, những ngày gần đây, nhiều người dân ở các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp cũng gửi đơn đến Công an tỉnh Hậu Giang tố giác bị nhóm Út, Triều, Dủ lừa đảo hơn 3 tỉ đồng.

Trung tá Lê Quốc Hội, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, cho biết, các đối tượng và nạn nhân trước đây từng quen biết nhau khi đi mua bán lúa. Từ mối quan hệ này, các đối tượng câu kết với nhau dàn cảnh dẫn dụ người mua lúa bằng cách sắp xếp người dẫn “cò”, người đóng vai người địa phương chỉ ra những cánh đồng nói là đã bao tiêu, đã mua rồi để bị hại tin hợp đồng đặt cọc giao tiền.

Cách đây vài ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vị Thủy đã khởi tố, tạm giam “cò lúa” là Lê Văn Khánh (sinh năm 1983) và Lê Văn Thế (sinh năm 1982), cùng trú ấp 9A2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy. Cũng bằng thủ đoạn nhận cọc trước nhưng không giao lúa, từ tháng 3 đến tháng 5-2021, Khánh đã chiếm đoạt 83 triệu đồng, Thế chiếm đoạt hơn 430 triệu đồng của ba thương lái.

Chưa kể, đối tượng Thế còn “cò” luôn cả việc cắt lúa nhưng sau khi nhận tiền của nông dân thì không trả cho các chủ máy cắt mà chiếm đoạt 125 triệu đồng vào tháng 4 vừa qua.

Trung tá Lê Quốc Hội khuyến cáo, những người mua bán lúa, nếu mua qua “cò lúa” thì trước khi ký hợp đồng, đặt cọc nên kiểm tra lại thông tin các hộ nông dân trên cánh đồng mà “cò lúa” nói đã bao tiêu bằng cách gặp trực tiếp một vài hộ hoặc kiểm tra thông qua trưởng ấp hay hội nông dân để xác định thông tin các đối tượng đưa ra, tránh bị lừa đảo.

“Chúng tôi sẽ tham mưu Giám đốc Công an tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành kết nối giữa doanh nghiệp thu mua lúa với hộ nông dân để mua lúa trực tiếp cho bà con, tránh bị các đối tượng trung gian ép giá hay những hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như thời gian qua”, trung tá Hội thông tin thêm.

Ngoài các “cò lúa” vừa bị khởi tố, hiện Công an tỉnh Hậu Giang đang phối hợp cùng công an một số tỉnh, thành củng cố hồ sơ xử lý các đối tượng có liên quan. Vụ việc một lần nữa cho thấy những rủi ro khi mua bán lúa qua trung gian là “cò lúa”.

THẾ PHONG - GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>