Kiểm sát chặt chẽ, nêu cao tinh thần bảo vệ pháp luật

26/10/2023 | 09:15 GMT+7

Từ đầu năm đến nay, ngành kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Từ đó, đóng góp lớn trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Viện KSND tỉnh tổ chức Cuộc thi “Kỹ năng viết dự thảo kiến nghị trong hoạt động điều tra của Viện KSND” năm 2023.

Kiểm sát tốt lĩnh vực hình sự

Vừa qua, Viện KSND huyện Vị Thủy phối hợp với tòa án cùng cấp tổ chức phiên tòa xét xử lưu động vụ án hình sự đối với bị cáo Nguyễn Văn Dũng về tội tàng trữ trái phép chất ma túy.

Cáo trạng thể hiện, lúc 9 giờ 30 phút ngày 26-4-2023, nhận được tin báo của quần chúng, Công an huyện Vị Thủy tiến hành kiểm tra, bắt quả tang Nguyễn Văn Dũng, trú tại ấp 5, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, đang có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy trong gói thuốc lá hiệu Jet tại phòng khách nhà ông Bùi Văn Giang, trú tại ấp 8, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy…

Quá trình điều tra, Dũng khai nhận trước đó, sáng ngày 24-4-2023, Dũng đi xe buýt từ huyện Vị Thủy đến khu vực chợ Bà, thuộc phường Thành Phước, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, mua số ma túy trên của một người đàn ông (không rõ lai lịch) với giá 300.000 đồng, mang về nhà của Dũng cất giấu. Đến sáng ngày 26-4-2023, Dũng đi lại nhà của Giang, lấy một phần ma túy mang theo ra để sử dụng thì bị bắt.

Tại phiên tòa, trên cơ sở đánh giá, phân tích tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội của bị cáo và tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Dũng 18 tháng tù giam. Kết thúc phiên tòa, lãnh đạo, kiểm sát viên Viện KSND huyện Vị Thủy cùng Hội đồng xét xử đã tổ chức họp rút kinh nghiệm nhằm đánh giá lại toàn bộ diễn biến, quá trình xét xử.

Theo Viện KSND tỉnh, từ đầu năm đến nay, hai cấp kiểm sát tỉnh đã phối hợp tổ chức và trên 15 phiên tòa xét xử lưu động, với mục đích nhằm nâng cao kỹ năng phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử, đồng thời phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại địa phương. Các vụ án được lựa chọn đưa ra xét xử thường phức tạp về tính chất, hành vi; có khả năng tranh tụng, để qua đó giúp kiểm sát viên nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp.

Ông Hồ Việt Thắng, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh, cho biết: “Cùng với việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, hai cấp kiểm sát của tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành. Từ đó việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đảm bảo đúng pháp luật, không có trường hợp nào bị oan sai, bỏ lọt tội phạm.

“Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2023, ngành đã phối hợp với cơ quan điều tra, tòa án xác định được 29 vụ án trọng điểm để tập trung điều tra, truy tố, xét xử phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương (tăng 5 vụ so với cùng kỳ). Phối hợp với tòa án tổ chức được 17 phiên tòa trực tuyến. Các hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự tiếp tục được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo quy định pháp luật”, ông Thắng thông tin.

Xây dựng đội ngũ kiểm sát tinh thông nghiệp vụ

Đổi mới công tác tổ chức cán bộ; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được xác định là một trong những khâu công tác trọng tâm, đột phá của ngành kiểm sát tỉnh trong năm 2023, đồng thời cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách tư pháp được hai cấp kiểm sát tỉnh chú trọng.

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện KSND tỉnh, cho biết, thực hiện công tác cải cách tư pháp, Ban Cán sự đảng Viện KSND tỉnh đã chỉ đạo ngành kiểm sát tỉnh thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và địa phương nhằm xây dựng đội ngũ kiểm sát viên đảm bảo vững về chính trị, giỏi nghiệp vụ, tinh thông pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm.

 Đến nay, toàn ngành kiểm sát Hậu Giang hiện có 7 phòng nghiệp vụ và 8 viện KSND huyện, thị, thành với 124 cán bộ, kiểm sát viên, người lao động. Trong đó, hai cấp kiểm sát hiện có 90 kiểm sát viên, gồm 38 kiểm sát viên trung cấp, 51 kiểm sát viên sơ cấp; 6 công chức có trình độ thạc sĩ luật, 108 người có trình độ đại học luật…

Theo ông Liêm, để nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên, hàng năm, lãnh đạo đơn vị đều tổ chức các cuộc thi như “Kỹ năng viết cáo trạng và dự thảo bản luận tội”, “Kỹ năng trình bày bài phát biểu của kiểm sát viên”, đồng thời vừa qua đơn vị đã lần đầu tổ chức Cuộc thi “Kỹ năng viết dự thảo kiến nghị trong hoạt động điều tra của Viện KSND” năm 2023. Bên cạnh đó, ngành đã cử nhiều lượt cán bộ, kiểm sát viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ do Viện KSND tối cao tổ chức.

Tuy nhiên, trong kiểm sát các hoạt động tư pháp từ đầu năm đến nay, ngành cũng gặp một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể như, còn xảy ra trường hợp tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung; chưa kịp thời kháng nghị trong một số vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại… Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do số lượng án gia tăng so với cùng kỳ năm trước, tính chất của các vụ án ngày càng phức tạp, thủ đoạn tội phạm tinh vi…

Ông Nguyễn Thanh Liêm cho rằng: Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trên, từ nay đến cuối năm, ngành kiểm sát tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, đảm bảo truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan sai, không bỏ lọt tội phạm. Ngành cũng tăng cường trách nhiệm và kỹ năng của kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự, dân sự,... Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra công vụ. Kịp thời kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm phát hiện vi phạm và ban hành kháng nghị, kiến nghị, qua đó bảo đảm pháp chế trong hoạt động tư pháp trên địa bàn.

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>