Hội Luật gia tỉnh: Cầu nối đưa pháp luật đến người dân

25/11/2022 | 10:15 GMT+7

Trong năm 2022, các cấp hội luật gia trong tỉnh đã tích cực trong mọi hoạt động của mình, góp phần đáng kể trong nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn. Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang, ông Nguyễn Hoàng Mạnh (ảnh), Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, chia sẻ:

- Thực hiện Chỉ thị số 14 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong năm 2022, các cấp hội luật gia trong tỉnh đã tham gia vào nhiều hoạt động như công tác xây dựng pháp luật, công tác tư vấn, hòa giải, tuyên truyền pháp luật, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo… Cụ thể, từ đầu năm đến nay các hội luật gia cấp huyện đã trực tiếp triển khai các văn bản luật 27 cuộc cho các ban, ngành, đoàn thể và các xã, phường với trên 2.000 lượt người tham dự.

Cùng với đó, các huyện hội và các chi hội trực thuộc đã phối hợp với các ngành, cơ quan, địa phương tham gia triển khai, phổ biến các văn bản luật như: Luật Bảo hiểm Y tế; Luật Tố cáo; Luật An ninh mạng; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi;... và các văn bản quy phạm pháp luật khác được 405 cuộc, với 36.392 lượt người tham dự.

Lãnh đạo Hội Luật gia tỉnh tham gia góp ý kiến dự thảo luật tại hội nghị do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức.

Ngoài ra, Hội Luật gia tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp với Trại giam Kênh 5 về việc phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, hỗ trợ cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù, người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Cùng với đó, hội luật gia cơ sở đã tham gia hòa giải thành 731/778 vụ tranh chấp, xích mích trong cộng đồng dân cư, đạt tỷ lệ 93.8%.

Trong các hoạt động chính của hội, các cấp hội luật gia tỉnh đã có những đóng góp tích cực nào vào việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở địa phương, thưa ông ?

- Các cấp hội luật gia trong tỉnh luôn xác định nhiệm vụ nghiên cứu, góp ý xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, là một trong những hoạt động chính trị của mình, góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trong năm, Thường trực Hội Luật gia tỉnh đã tham gia đóng góp ý kiến 22 văn bản quy phạm pháp luật của các sở, ngành, địa phương; các cấp hội trực thuộc đóng góp ý kiến 112 văn bản quy phạm pháp luật; tham gia thẩm định 735 văn bản, kiểm tra 19 văn bản. Tham gia góp ý kiến 45 lượt ý kiến với các dự thảo luật như Luật Thực hiện quy chế dân chủ, Luật Thanh tra; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình,...

Hiện nay, đồng chí Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh là thành viên của Đoàn công tác liên ngành giải quyết khiếu nại, tố cáo tỉnh. Trong năm, đã tham dự 22 phiên họp đối thoại với công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo qua đó tham gia giải quyết 51 vụ việc.

Ông đánh giá như thế nào về chất lượng và tổ chức của các cấp hội luật gia trên địa bàn tỉnh hiện nay, thưa ông ?

- Hiện nay, toàn tỉnh Hậu Giang đã thành lập 7/8 hội luật gia huyện, thị xã, thành phố; 16 chi hội luật gia sở, ngành trực thuộc tỉnh hội; 41 chi hội luật gia các ngành trực thuộc hội luật gia cấp huyện và 45 chi hội cấp xã. 

Trong năm, các cấp hội đã kết nạp 20 hội viên, nâng tổng số hội viên hiện nay là 1.211, trong đó số hội viên đã được cấp thẻ là 1.050 hội viên, đạt tỷ lệ 85%.

Nhìn chung, tình hình sinh hoạt, chấp hành quy định pháp luật, điều lệ hội của các hội viên đều đảm bảo. Hiện Thường trực tỉnh hội đang kiểm tra, rà soát, củng cố lại hội luật gia cấp huyện và các chi hội trực thuộc tỉnh hội để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội luật gia các cấp trong thời gian tới.

Với những hiệu quả công tác đáng kể trong những năm qua, theo ông đâu là những bài học kinh nghiệm cho công tác tổ chức và xây dựng của các cấp hội luật gia tỉnh hiện nay, thưa ông ?

- Có thể đúc kết 4 bài học kinh nghiệm chính trong hoạt động của các cấp hội luật gia Hậu Giang trong thời gian qua.

Đó là quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, nắm vững pháp luật của Nhà nước có liên quan đến tôn chỉ và nội dung hoạt động của hội. Đây là nguyên tắc chỉ đạo trong toàn bộ hoạt động của các cấp hội và hội viên.

Tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự hỗ trợ tích cực của chính quyền, tăng cường phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các tổ chức Nhà nước và các tổ chức hữu quan. Thực tiễn cho thấy, nơi nào các tổ chức hội luật gia chủ động triển khai công tác hội gắn với nhiệm vụ kinh tế - xã hội chung của Nhà nước thì nơi đó luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo hỗ trợ.

Phát huy nhiệt tình, trí tuệ của đội ngũ cán bộ và hội viên, quan tâm đến lợi ích của hội viên. Để thực hiện điều này phải tiếp tục lựa chọn người đứng đầu các cấp hội một cách dân chủ, công khai; người được chọn phải là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên tâm với công việc hội, được sự tin cậy của cấp ủy Đảng và chính quyền, có quan hệ tốt với các cơ quan hữu quan.

Và cuối cùng là nâng cao năng lực điều hành của các cấp hội. Tỉnh hội Luật gia thống nhất tổ chức chỉ đạo, phối hợp hoạt động của toàn hội. Ban Chấp hành của tổ chức hội luật gia các cấp phải thực sự là một tập thể đoàn kết, vững mạnh, năng động, thực hiện tốt vai trò tổng tham mưu của mình.

Xin cảm ơn ông !

Đ.BẢO thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích