Đừng để mâu thuẫn nhỏ gây ra hậu quả lớn

06/08/2024 | 04:46 GMT+7

Mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống, nhưng không phải ai cũng có thể giải quyết mâu thuẫn một cách khéo léo, mềm dẻo và thỏa đáng. Nhiều trường hợp vướng vòng lao lý chỉ vì “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” vừa được tòa án hai cấp đưa ra xét xử thời gian qua, là bài học đắt giá.

Tòa án tỉnh xét xử một vụ án cố ý gây thương tích.
Cả 6 bị cáo trong vụ án giết người do Tòa án nhân dân tỉnh xử sơ thẩm vào ngày 23-7 vừa qua, đều đã ở cái tuổi khá chín chắn, trưởng thành. Thế nhưng, các bị cáo không chí thú làm ăn, chăm lo cho gia đình mà lại đi giải quyết tranh chấp bằng “nắm đấm” và phải lãnh hậu quả. Trong 6 bị cáo tại tòa, bị cáo L. từng bị xử phạt 9 năm tù tội giết người, vừa mãn hạn tù trở về thì lại vướng vào vòng lao lý. 

Nguồn cơn lao lý xuất phát từ chuyện cỏn con, chẳng đâu vào đâu. Theo đó, trong quá trình làm việc, bị cáo H. và anh T. hai bên nảy sinh mâu thuẫn. Sau đó, cả hai đi điều tra về lai lịch của đối phương.

Tối hôm sau, trong lúc đi nhậu cùng nhóm bạn của mình, bị cáo H. kể lại chuyện mâu thuẫn giữa mình với anh T. cho cả nhóm cùng nghe. Sau đó, cả hai gọi điện thách đố nhau. Đêm muộn ngày 23-8-2023, 6 người đi trên 3 xe mô tô mang hung khí là kiếm Nhật đến nhà anh T., ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Châu Thành A, để giải quyết mâu thuẫn. Tại đây, các đối tượng xảy ra đánh nhau với nhóm của T., hậu quả, khiến anh T. tử vong tại chỗ.

Đứng ở bàn khai báo, bị cáo N. phân trần: “Ban đầu, khi anh H. kể lại chuyện mâu thuẫn, bị cáo có ngăn cản, khuyên can nên anh H. không nói về vấn đề đánh nhau nữa. Đến khi hai bên thách đố, bị cáo cũng có khuyên anh H. là có gì bỏ qua. Sau đó, thấy anh H. bị đe dọa quá, nên bị cáo mới đi theo. Bị cáo không bao giờ muốn cớ sự này xảy ra...”.

Trong khi đó, bị cáo H. cho rằng: “Nghe mọi người can ngăn, bị cáo đã dằn cơn giận xuống, quyết định cho qua việc này rồi, nhưng T. nhiều lần điện thoại đe dọa là “Tụi bây không đến, tao sẽ đến nhà tìm vợ con”. Sau đó, bị cáo thấy nhóm quyết đi tìm anh T., nên bị cáo cũng đi theo...”.

Thở dài, vị chủ tọa đau đáu: “Chỉ vì mâu thuẫn cỏn con, các bị cáo lại không biết giải quyết vấn đề một cách khéo léo để chuyện nhỏ hóa to, rồi dẫn đến hậu quả như hôm nay. Giờ đây, tội của các bị cáo có thể bị truy tố đến hình phạt tử hình, các bị cáo có thấy đáng không? Có nuối tiếc không?”. Cả 6 bị cáo đều cúi gầm mặt, thinh lặng.

Vụ việc thứ hai, mâu thuẫn lại xuất phát từ… bàn nhậu. Theo đó, C. là anh em con cô cậu với S. (sinh năm 1994), trong lúc ngồi uống bia, cả hai nảy sinh mâu thuẫn từ chuyện rót bia, nên xông vào đánh nhau. Được người nhà can ngăn, S. bỏ về, còn C. quay lại quán nhậu tiếp. Khoảng 5 phút sau, thấy S. trở lại, C. nhặt một mảnh thủy tinh bể rồi đi ra ngoài. Cả hai tiếp tục lao vào nhau. Trong lúc vật lộn, C. dùng mảnh thủy tinh đâm S. 2 nhát vào chân.

Trước tòa, vị hội thẩm nhân dân hỏi: “Bị cáo với bị hại đều là chỗ bà con thân tình, có mâu thuẫn thì anh em ngồi lại với nhau, nhẹ nhàng phân tích phải trái. Đằng này, khi mọi người đã can ngăn rồi, bị cáo còn hành xử nông nổi. Giả dụ như hậu quả đáng tiếc hơn xảy ra, bị cáo nghĩ thế nào?”. Cúi gầm mặt, C. rưng rưng, gửi lời xin lỗi đến gia đình bị hại và tha thiết mong hội đồng xét xử cho mình một cơ hội để sửa sai.

Cơn giận nông nổi làm bị hại mang thương tích 12%, khiến bị cáo lãnh mức án 1 năm tù về tội “cố ý gây thương tích”.

Hai vụ án trên đây chỉ là số ít trong các vụ việc giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Có thể thấy, bạo lực chưa bao giờ là phương án tốt để giải quyết mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống. Hai vụ án trên cũng là bài học sâu sắc cho mỗi người tự soi rọi, học cách kiểm soát cảm xúc của bản thân và cân nhắc hướng xử lý khi giải quyết hiềm khích để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Những tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 101 vụ/238 bị can tội phạm về trật tự xã hội, chiếm 43,9% cơ cấu tội phạm. Trong đó, tội phạm giết người 3 vụ/8 bị can; cố ý gây thương tích 29 vụ/83 bị can, chiếm 1/3 số vụ tội phạm về trật tự xã hội.

 

B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>