Đồng thuận cao với các dự án luật

24/05/2023 | 06:53 GMT+7

Công an tỉnh vừa tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin và lấy ý kiến đóng góp đối với 5 dự án luật được Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng với nhiều nội dung, qua đó nhận được sự đồng tình cao của các đại biểu.

Đó là Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Bà Lê Thị Thanh Lam, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

- Chúng ta đều biết, hiện nay, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở có sự tham gia của 3 lực lượng không chuyên trách khác nhau là dân phòng, dân phố và công an viên không chính quy. Trong khi đó, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định ở nhiều văn bản pháp lý khác nhau, chưa thống nhất; chế độ, chính sách cũng khác nhau.

Tuy nhiên, tình hình an ninh, trật tự ở cơ sở diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tình hình an ninh nông thôn, tranh chấp, khiếu kiện, tệ nạn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp... Nếu không bám cơ sở, phát hiện ngăn chặn, xử lý kịp thời thì sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng. Chính vì thế, lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở có vai trò hết sức quan trọng.

Nếu không có lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở thì lực lượng công an chính quy rất khó để hoàn thành nhiệm vụ, bởi xã, thị trấn chỉ có 5-6 đồng chí công an chính quy, trong khi phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ. Vì vậy, việc ban hành luật vừa phù hợp với sự chỉ đạo của Đảng về xây dựng và củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, vừa đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng này.

Chưa kể, việc sắp xếp, kiện toàn các lực lượng này còn góp phần tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm linh hoạt, nhanh chóng, kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp: Luật được ban hành sẽ đảm bảo chế bộ cho lực lượng bán chuyên trách

- Phụng Hiệp là địa bàn có diện tích lớn nhất, dân số đông nhất, hạ tầng giao thông thiếu và yếu nhất trên địa bàn tỉnh… Từ những khó khăn này, dẫn đến các vấn đề phức tạp như tội phạm, tệ nạn xã hội, an toàn giao thông. Tính từ năm 2022 đến nay, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn huyện tăng cả 3 mặt, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một phần do các quy định pháp luật còn chưa hoàn thiện.

Vì vậy, với việc lấy ý kiến các dự thảo luật lần này, sẽ giải quyết được một số điểm nghẽn trong thực tế. Cụ thể như đối với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, được ban hành sẽ kịp thời khắc phục, bổ sung đầy đủ về cơ chế, chính sách, nhất là tổ chức, chỉ huy việc quản lý, phân luồng, giải quyết các ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Đặc biệt, nếu luật được thông qua sẽ giúp việc phân công công tác quản lý nhà nước về giao thông đường bộ được rõ ràng hơn. Mặt khác, có thể bổ sung thiếu hụt về chính sách đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Đối với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tôi cho rằng hầu hết các loại tội phạm xuất phát từ cơ sở, nên việc luật được ban hành là rất phù hợp. Đây cũng là cơ sở pháp lý, nguồn lực giúp cho lực lượng bán chuyên trách ở cơ sở phối hợp với công an chính quy giải quyết tốt hơn các vấn đề an ninh, trật tự ở địa phương.

Thực tế cho thấy, hiện nay, các chế độ, chính sách dành cho lực lượng bán chuyên trách ở cơ sở còn khá hạn chế. Do đó, nếu dự án luật được thông qua sẽ góp phần giải quyết các chế độ về bảo hiểm, phụ cấp,… giúp họ yên tâm công tác, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh: Thống nhất với việc ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

- Qua nghiên cứu, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, được xây dựng trên cơ sở tách ra từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 dự án luật, gồm: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ (sửa đổi) là có cơ sở.

Cụ thể, sau thời gian triển khai, thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thực tiễn đã phát sinh nhiều bất cập, hạn chế như quá tải phương tiện giao thông ở các thành phố lớn, tai nạn, ùn tắc giao thông, người tham gia giao thông vi phạm các quy tắc khi tham gia giao thông. Qua đó, cho thấy không thể giữ nguyên Luật Giao thông đường bộ hiện hành, vì hiện nay, số người tham gia giao thông và phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng nhanh, tính không đồng bộ và bất cập của 3 lĩnh vực về an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ.

Ba lĩnh vực trên khác nhau về mục tiêu và đối tượng điều chỉnh, nên việc giữ nguyên trong một luật không thể hoàn thiện và dẫn đến phải ban hành nhiều văn bản dưới luật. Cùng với đó, việc xác định cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính trong từng lĩnh vực như trên còn bất cập; vì thế, nếu Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được ban hành sẽ phân tách rõ ràng, cụ thể hơn về phạm vi điều chỉnh của từng lĩnh vực.

Từ các vấn đề trên, Sở Giao thông vận tải tỉnh đồng tình cao với việc ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, góp phần đảm bảo trật tự, kỷ cương an toàn giao thông, phù hợp với xu hướng, phát triển thực tế.

Ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh: Điều chỉnh các quy định về xuất, nhập cảnh là hợp lý

- Luật Nhập cảnh, quá cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài ở Việt Nam qua thời gian thi hành, đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài vào nước ta du lịch, đầu tư, đặc biệt là việc triển khai chính sách thị thực điện tử. Song, cùng với Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, thì cả hai luật trên sau thời gian thực hiện một số quy định đã xuất hiện bất cập, cần sửa đổi, bổ sung.

Cụ thể như luật chưa có quy định về hình thức nộp hồ sơ trực tuyến khi thực hiện các thủ tục nhập cảnh đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính; chưa quy định về việc thu hồi, hủy bỏ các trường hợp đã được cấp hộ chiếu nhưng từ chối nhận, không nhận kết quả. Bên cạnh đó, quy định người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực được tạm trú 15 ngày, nhưng lại chưa có quy định về việc cấp thị thực, gia hạn tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực, nên có nhiều cách hiểu khác nhau trong việc triển khai, thực hiện.

Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, quá cảnh hiện nay ngày càng tăng, đặc biệt số người nhập cảnh bằng thị thực điện tử là cần thiết nhưng hiện luật chưa điều chỉnh vấn đề này. Từ các vướng mắc, bất cập trên cho thấy việc sửa đổi và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là điều rất cần thiết.

Đ.B ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>