Chú trọng đối thoại trong giải quyết khiếu nại

06/06/2023 | 08:55 GMT+7

Thời gian qua, việc triển khai, thực hiện hiệu quả cơ chế đối thoại đã góp phần nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh.

Một buổi đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với công dân trước khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.

Luật Khiếu nại năm 2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định rõ về cơ chế tổ chức đối thoại trong giải quyết khiếu nại. Cụ thể, Điều 30, Điều 39 của luật quy định, đối thoại là một trong những bước bắt buộc của quy trình giải quyết khiếu nại hiện nay.

Vì vậy, thời gian qua, tại Ban Tiếp công dân tỉnh, các buổi đối thoại giải quyết khiếu nại của công dân luôn được tổ chức chu đáo, chặt chẽ. Đặc biệt là sự có mặt của các cơ quan chuyên môn làm nhiệm vụ xác minh, tham mưu giải quyết khiếu nại, cùng Mặt trận và các tổ chức liên quan có trách nhiệm giám sát, phản biện việc giải quyết của chính quyền địa phương để bảo vệ quyền lợi công dân.

Chia sẻ về vai trò của việc đối thoại trong giải quyết khiếu nại hành chính, ông Lưu Ngọc Đông, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban Tiếp công dân tỉnh, cho rằng: “Đối thoại là khâu quan trọng trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bởi việc đối thoại trước khi ban hành kết quả giải quyết khiếu nại không chỉ nhằm mục đích công khai, minh bạch hồ sơ vụ việc, tiếp nhận đầy đủ các thông tin liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, mà qua đó còn giúp lãnh đạo ủy ban nhân dân các cấp làm rõ nội dung yêu cầu của người khiếu nại và nắm bắt kịp thời hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của người khiếu nại để đảm bảo việc giải quyết hợp lý, hợp tình”.

Thực tế cho thấy, thông qua hoạt động đối thoại trước khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại là dịp để các cấp, các ngành trong tỉnh lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng để xem xét, giải quyết đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Qua đó, hạn chế tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, tránh tạo các “điểm nóng” tại các địa phương.

Như vừa qua, các hộ ông Trương Hoàng Thiện và hộ bà Hồ Cúc Hoa, cùng ngụ ấp Mỹ Phú, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, có khiếu nại, yêu cầu hủy quyết định của Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính.

Theo xác minh của Sở Tài nguyên và Môi trường, tháng 3-2018, đơn vị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 39.3956,3m2 tại ấp Mùa Xuân, xã Tân Phước Hưng cho Công ty TNHH Lai Phương. Đến cuối tháng 3-2018, do không có đất canh tác nên các hộ ông Thiện, bà Hoa đến phát quang và canh tác trên phần đất thuộc công ty.

Ngày 14-4-2022, Công ty TNHH Lai Phương có văn bản gửi UBND xã Tân Phước Hưng, đề nghị hỗ trợ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với hộ bà Hoa, ông Thiện do có hành vi lấn chiếm đất.

Đến ngày 6-12-2022, do đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, nên Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp ban hành quyết định buộc khắc phục hậu quả đối với hộ bà Hoa, ông Thiện. Theo đó, buộc hai hộ này tháo dỡ, di dời tài sản và khôi phục lại phần đất đã lấn chiếm của Công ty TNHH Lai Phương.

 Tại buổi đối thoại, các hộ dân cho rằng vì hoàn cảnh khó khăn, không có đất canh tác, trong khi thấy phần đất của công ty đang bỏ hoang nên họ vào chiếm dụng canh tác. Qua đối thoại với lãnh đạo tỉnh, các hộ đã nhận thấy hành vi trái pháp luật của mình và đồng thuận với quyết định của địa phương.

 “Bản thân tôi sau khi đối thoại với lãnh đạo tỉnh đã nhận thức hành vi của mình là không đúng, nên tôi sẽ chấp hành quyết định của địa phương”, ông Trương Hoàng Thiện cho biết.

Rõ ràng, đối thoại là phương thức thể hiện tính công khai, dân chủ, minh bạch trong giải quyết khiếu nại. Việc chú trọng và tổ chức tốt công tác đối thoại trong giải quyết khiếu nại là yêu cầu cấp thiết, mang lại nhiều hiệu quả, góp phần giải quyết thấu tình, đạt lý các mong mỏi của người dân.

Bài, ảnh: Đ.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>