Chủ động phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao
Hiện nay, tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao để thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản ngày càng diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi. Để chủ động phòng ngừa tội phạm này, phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với thượng tá Nguyễn Phi Khanh (ảnh), Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh.
Xin thượng tá cho biết tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao trong những tháng đầu năm 2023 diễn ra như thế nào ?
- Tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao nói chung, tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản nói riêng ngày càng tinh vi, tăng cả số vụ, số lượng người bị hại, phạm vi rất rộng; tính chất ngày càng phức tạp, có xu hướng liên quan nhiều quốc gia và người nước ngoài.
Sáu tháng đầu năm 2023, cơ quan chức năng toàn quốc khởi tố 332 vụ với 749 bị can, trong đó có 108 bị can liên quan đến tổ chức tội phạm do người nước ngoài cầm đầu. Riêng trên địa bàn tỉnh, cơ quan cảnh sát điều tra Công an toàn tỉnh đã khởi tố 7 vụ với 29 bị can sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội.
Tội phạm thường sử dụng thủ đoạn nào để dẫn dụ bị hại ?
- Trong các vụ đã khởi tố và các vụ đang trong quá trình xác minh cho thấy, rất đa dạng về phương thức, thủ đoạn để dẫn dụ bị hại, nhưng phổ biến nhất là, giả danh cơ quan, tổ chức (công an, viện kiểm sát, tòa án, hải quan, thuế, các nhà mạng, ngân hàng,…) đe dọa hoặc yêu cầu cập nhật thông tin; giả danh sàn thương mại điện tử, công ty, doanh nghiệp để kêu gọi đầu tư, làm nhiệm vụ online, tham gia bình chọn; giả người nước ngoài làm quen, yêu đương nói gửi quà, gửi tiền rồi yêu cầu đóng phí; chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội (zalo, facebook,…) gửi tin nhắn mượn tiền hoặc chiếm quyền điều khiển ứng dụng thanh toán bằng điện thoại di động rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
Ngoài ra, chúng còn giả giáo viên gọi điện thông báo con em bị tai nạn; cho kết quả xổ số để chơi lô đề; dịch vụ giá rẻ; mạo danh ngân hàng cho vay... Các đối tượng luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn để bị hại mất cảnh giác, dụ dỗ hoặc uy hiếp để ngăn cản không cho bị hại trao đổi với người khác, kể cả người thân.
Các đối tượng làm thế nào để chiếm đoạt được tài sản của bị hại ?
- Tội phạm mạng muốn chiếm đoạt được tài sản của bị hại phải chiếm được quyền sử dụng internet banking; bị hại cung cấp số tài khoản ngân hàng và mã OTP, hay nộp tiền hoặc nạp thẻ cào điện thoại cho đối tượng.
Hiện nay, tội phạm mạng sử dụng những công cụ, phương tiện nào để thực hiện hành vi phạm tội ?
- Để thực hiện được hành vi phạm tội, chúng phải có sim điện thoại, phải có tài khoản mạng xã hội (zalo, facebook,…), quan trọng nhất là tài khoản ngân hàng. Từ các vụ án đã triệt phá cho thấy, một cá nhân, một nhóm tội phạm mạng có thể quản lý và sử dụng hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn sim điện thoại, tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng.
Để phòng ngừa người dân cần làm gì, thưa thượng tá ?
- Để tham gia môi trường mạng an toàn, không trở thành nạn nhân của tội phạm mạng thì mọi người cần tiếp cận thông tin tích cực từ các trang chính thống, nhất là phải trang bị những kiến thức cơ bản để không vi phạm và phòng, chống tội phạm mạng. Cụ thể, không đăng hoặc cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và mã OTP; không cập nhật vào đường link lạ; không chuyển tiền hoặc nạp thẻ cào cho người chưa biết chính xác và đầy đủ thông tin; kiểm tra kỹ thông tin người thụ hưởng vì tội phạm mạng luôn luôn sử dụng tài khoản cá nhân để giao dịch mà tài khoản này không chính chủ (tài khoản rác).
Thượng tá có đề xuất gì về mặt pháp lý để ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mạng ?
- Để thực hiện được hành vi phạm tội trên môi trường mạng thì đối tượng phải có sim điện thoại, tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng. Do đó, cơ quan chức năng cần có quy định chặt chẽ hơn, chế tài nghiêm khắc hơn, tạo hành lang pháp lý tốt hơn từ khâu đăng ký đến quản lý, đồng thời xử lý dứt điểm “sim rác, tài khoản mạng rác, tài khoản ngân hàng rác”. Người dân không nên vì lợi ích nhỏ mà đăng ký rồi giao lại sim điện thoại, tài khoản ngân hàng cho người khác quản lý sử dụng, tiếp tay cho tội phạm.
Thượng tá khuyến cáo gì để người dân hiểu, chủ động phòng ngừa tội phạm mạng, nhất là tội phạm chiếm đoạt tài sản ?
- Tội phạm mạng lợi dụng triệt để lòng tham và thiếu hiểu biết của bị hại. Ai trong chúng ta cũng có những điều chưa hiểu biết, có những lúc thiếu tỉnh táo, do đó để không bị mất tài sản, không trở thành nạn nhân của tội phạm mạng, khi tiếp nhận thông tin trên môi trường mạng nên trao đổi với người thân, bạn bè hoặc báo chính quyền địa phương để được tư vấn, hỗ trợ, không vội vàng tin tưởng thông tin trên môi trường mạng.
Thượng tá Nguyễn Phi Khanh khẳng định: Không có bất cứ cơ quan, tổ chức nào làm việc qua điện thoại. Không có việc nhẹ - lương cao, không có kiếm tiền nhanh - dễ, không có khuyến mãi lớn - đơn giản, không có đầu tư ít - sinh lợi nhiều. |
Xin cảm ơn thượng tá !
NHẬT TÂN thực hiện
- Infographic: MỨC ĐÓNG BHYT ĐƯỢC NHÀ NƯỚC HỖ TRỢ THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 10 CỦA HĐND TỈNH
- Điểm tin sáng 5-10: Người dân gửi hơn 6,8 triệu tỉ đồng vào ngân hàng
- Cùng Sunlife Việt Nam tìm hiểu 3 loại hình bảo hiểm phổ biến
- Infographic: TRÌNH TỰ XÁC ĐỊNH HỘ LÀM NÔNG, LÂM, NGƯ VÀ DIÊM NGHIỆP CÓ MỨC SỐNG TRUNG BÌNH
- Điểm tin sáng 4-10: Khoa học công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong nông nghiệp
- BẢNG GIÁ QUẢNG CÁO BÁO HẬU GIANG
- “Bác Hồ trong trái tim các dân tộc Việt Nam”
- Chúc tăng, ni, phật tử đón Đại lễ Phật đản an lành
- Huyện Vị Thủy: Xây dựng 41 tuyến đường đẹp
- Điểm tin sáng 17 – 5: Bốn người Việt Nam vào top gương mặt trẻ nổi bật châu Á
- Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám định tư pháp
- Nâng cao kỹ năng cho các “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”
- Bảo hiểm xã hội tỉnh và Hội Nông dân tỉnh phối hợp ra mắt mô hình mới
- Xét xử 16 bị cáo liên quan đến “tín dụng đen”
- Nguy cơ ùn tắc kiểm định khi gần 300 đăng kiểm viên ra tòa