Chấp hành nghiêm để bảo vệ nguồn lợi thủy sản

07/12/2021 | 10:27 GMT+7

Thời gian qua, tình trạng khai thác thủy sản trái phép trên địa bàn vẫn còn xảy ra trên một số tuyến kênh, rạch, sông... Hình thức chủ yếu là dùng điện để đánh bắt, khai thác các loài thủy sản trong danh mục cấm, qua đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi này.

Người dân đánh bắt thủy sản trên đồng tại địa bàn huyện Vị Thủy.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng tỉnh, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, vận động người dân giao nộp 6 bộ dụng cụ kích điện, phát hiện 15 vụ, 15 đối tượng sử dụng kích điện để đánh bắt nguồn lợi thủy sản, qua đó đã củng cố hồ sơ 8 vụ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật…

Thường đánh bắt cá trên các cánh đồng ở huyện Vị Thủy, anh Nguyễn Hữu Bình, ở xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cho biết: “Hiện nay, do nguồn cá trong tự nhiên giảm nên nhiều người sử dụng xung điện hoặc lưới mắt nhỏ để bắt được cá chứ không thể đặt lờ, dớn như trước. Với lại, giá của các bộ ngư cụ này cũng khá rẻ và dễ tìm mua ở chợ nên tôi thấy nhiều người lựa chọn, dù biết có thể bị phạt ”.

 Mặc dù, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhưng tình trạng người dân sử dụng xung điện, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản vẫn còn diễn ra, đây là hành vi khai thác không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản mà còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho hay: Với đặc thù địa bàn tỉnh có nhiều khu vực nội đồng, kênh, rạch nên nghề khai thác thủy sản được xem là nghề phụ của người dân ở vùng nông thôn. Hiện nay, do nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm sút nên để đánh bắt được cá, tôm, người dân đã sử dụng các loại dụng cụ cấm. Qua kiểm tra, các hành vi vi phạm thường gặp là sử dụng điện, lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định; đánh bắt các loài cá trong danh mục cấm…”.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn bởi đối tượng vi phạm chủ yếu là người địa phương, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đánh bắt thủy sản với mục đích cải thiện bữa ăn gia đình, khi bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ dụng cụ và thông qua tuyên truyền tại chỗ người vi phạm hiểu được hành vi vi phạm và cam kết không thực hiện. Nhưng cũng có những trường hợp sẵn sàng vứt bỏ ngư cụ xuống nước để phi tang, bỏ chạy hoặc hoạt động về ban đêm, khai thác ở các khu vực sông ngòi, ao hồ, kênh… xa khu dân cư gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tại khoản 7, Điều 7 của Luật Thủy sản năm 2017 quy định rất rõ việc cấm các hành vi “sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính chất hủy diệt, tận diệt khai thác nguồn lợi thủy sản”. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/2019 có quy định chi tiết về danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm. Theo đó, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được phân làm 2 nhóm: nhóm I (126 loài) và nhóm II (60 loài). Tại Hậu Giang, hiện có một số loài thủy sản nằm trong danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm như: cá trê trắng, cá hô, cá tra dầu... thuộc nhóm I; cá còm, cá duồng bay, cá he đỏ, cá trèn,… thuộc nhóm II.

Theo ông Đặng Ngọc Giao, căn cứ Nghị định số 42/2019 xử phạt trong lĩnh vực thủy sản, đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản có thể bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng; phạt tiền từ 10 -15 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản; đồng thời sẽ bị tịch thu tang vật vi phạm. Ngoài ra, đối với hành vi khai thác trái phép loài thủy sản thuộc nhóm I, II của danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị xử phạt tiền với mức phạt cao nhất từ 50-100 triệu đồng…

Để ngăn chặn và chấm dứt tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định gây suy giảm nguồn lợi thủy sản, ngành chức năng tỉnh khuyến cáo người dân cần tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Khi phát hiện trường hợp sử dụng ngư cụ cấm để đánh bắt thủy sản, đề nghị người dân báo ngay với chính quyền địa phương kịp thời xử lý, qua đó cùng chung tay bảo vệ, bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>