Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo qua zalo

13/10/2021 | 07:57 GMT+7

Những ngày gần đây, Công an tỉnh nhận được nhiều tin báo của bà con bị đối tượng xấu giả mạo tài khoản mạng xã hội zalo của người quen để lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn nhắn tin mượn tiền. Đây là một hình thức lừa đảo không mới nhưng rất tinh vi, chỉ cần chút mất cảnh giác là người dân “sụp bẫy”, mất tiền.

Anh Nguyễn Ngọc Cảnh cung cấp thông tin cho công an.

Vất vả làm lụng kiếm tiền trong lúc dịch bệnh lại bị lừa đảo mất tiền, anh Mai Ny Em, nhân viên bưu tá ở huyện Vị Thủy, buồn bã đến cơ quan công an trình báo.

Anh Ny Em cho biết, cách đây vài ngày, trong lúc đang bận thì nhận được tin nhắn từ một tài khoản zalo có ảnh và tên của một khách hàng thân quen mà anh thường xuyên giao đồ, hỏi mượn 2 triệu đồng và hứa sẽ trả lại vào chiều cùng ngày vì hiện tại tài khoản ngân hàng của người này bị lỗi không giao dịch được. Tin tưởng, bưu tá này chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp.

Không dừng lại đó, vài chục phút sau, tài khoản zalo này tiếp tục nhắn tin hỏi anh Ny Em mượn thêm và tổng cộng anh đã chuyển đến 3 lần tiền cho đối tượng, tổng số tiền 3 triệu đồng.

Đến khi về nhà, anh Ny Em mới giật mình gọi vào tài khoản zalo đã hỏi mượn tiền thì không thấy bắt máy. Lúc này, Ny Em nhắn tin yêu cầu đối tượng cung cấp số điện thoại để liên lạc trực tiếp thì mới biết bị lừa vì số điện thoại anh nhận được lại đúng số điện thoại của người khách hàng thân quen và người này cho biết không có nhắn tin mượn tiền.

Cũng vì mất cảnh giác mà anh Nguyễn Ngọc Cảnh, ngụ huyện Châu Thành, đã dùng điện thoại liên tục chuyển 2 lần tiền tổng cộng 4 triệu đồng theo nội dung tin nhắn hỏi mượn tiền từ tài khoản zalo có tên và hình ảnh giống người đồng nghiệp.

Anh Cảnh cho biết, qua tài khoản zalo, đối tượng còn nhắn tin hỏi mượn thêm 2 triệu đồng nhưng vì anh đang trên đường đi làm về, không có wifi nên không chuyển tiền được. Lúc này, sợ “bạn” cần gấp nên anh quyết định gọi trực tiếp qua số liên lạc hàng ngày thì mới biết bị lừa.

Cũng theo anh Cảnh, trước mỗi lần chuyển tiền, anh đều gọi vào tài khoản zalo nghi lừa đảo nhưng đều báo bận rồi đối tượng nhắn tin trả lời với nội dung “sợ vợ biết” nên không bắt máy và điều làm anh Cảnh tin tưởng nhất là đối tượng có gửi những hình ảnh giống như hình ảnh công việc nơi bạn anh đang làm việc nên anh mới bị gạt.

Thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, khoảng hơn 10 ngày trở lại đây ghi nhận gần chục trường hợp bị lừa bằng thủ đoạn giả danh tài khoản zalo hỏi mượn tiền với tổng số tiền bị chiếm đoạt trên 20 triệu đồng.

Trung tá Lê Quốc Hội, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, khuyến cáo, khi người dân nhận được những cuộc gọi, tin nhắn qua mạng xã hội hỏi vay, mượn tiền, nạp tiền điện thoại hay yêu cầu chuyển tiền mà không xác thực được chính xác người gọi, người nhắn tin thì bà con cần cảnh giác, tuyệt đối không làm theo.

Trao đổi thêm cụ thể, trung tá Lê Quốc Hội nói: Trường hợp không còn sử dụng một số điện thoại nào đó thì người dân cũng nên xóa luôn tài khoản mạng xã hội zalo đã đăng ký bằng số điện thoại này hoặc thay đổi thông tin bảo mật tài khoản zalo bằng số điện thoại mới để tránh đối tượng sử dụng số điện thoại mà ta đã bỏ kích hoạt tài khoản zalo nhằm thực hiện hành vi phạm tội như lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu phát hiện có người mạo danh tài khoản mạng xã hội của mình thì cũng nên thông báo cho những người thân quen biết để phòng ngừa bị đối tượng lừa đảo đồng thời báo cho cơ quan công an gần nhất biết giúp đỡ.

Cơ quan công an các cấp còn khuyến cáo, hiện nay, ngoài thủ đoạn giả danh tài khoản zalo, bọn xấu còn tấn công, chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội facebook để thực hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng bằng cách nhắn tin mượn tiền, vay tiền, do đó, bà con cần hết sức cảnh giác để không bị lừa đảo mất tài sản.

TRÍ THỨC - THẾ PHONG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>