Cảnh báo thủ đoạn dùng giấy tờ giả lừa đảo

14/09/2023 | 09:54 GMT+7

Thời gian qua, các hành vi làm, sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn biến khá phức tạp. Điều đáng nói, giấy tờ giả được làm ngày càng tinh vi, khó phát hiện, nên tiềm ẩn nhiều vấn đề ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Tòa án nhân dân tỉnh xét xử Huỳnh Thanh Tuấn và đồng phạm về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự xét xử đối với 3 bị cáo Trần Sang Trọng, Trần Văn Vĩ và Hồ Thanh Sơn, cùng ngụ thành phố Ngã Bảy, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Theo hồ sơ, Trần Sang Trọng vốn là chủ cơ sở kinh doanh cầm đồ Hoàng Khiêm, tại khu vực 3, phường Ngã Bảy, thành phố Ngã Bảy. Nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các bị hại, Trọng cấu kết với Vĩ và Sơn dùng thủ đoạn đục số khung, số máy các loại xe nhãn hiệu Suzuki Sport, rồi sau đó làm giả giấy chứng nhận đăng ký xe để tiến hành ký hợp đồng mua bán, từ đó lừa đảo, chiếm đoạt gần 4 tỉ đồng của các bị hại.

Trước đó, vào tháng 4-2023, Tòa án nhân dân tỉnh cũng đưa ra xét xử đối với Huỳnh Thanh Tuấn cùng với tội danh trên. Cụ thể, do cần tiền tiêu xài và trả nợ, Tuấn lên mạng xã hội đặt mua một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả thửa đất có địa chỉ tại ấp Trường Khánh 2, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp. Sau đó, Tuấn đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả này đi cầm để chiếm đoạt gần 1 tỉ đồng của các bị hại.

Trong những năm qua, các cơ quan chức năng tỉnh đã phát hiện và xử lý nhiều vụ làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Qua các vụ án bị triệt phá, có thể thấy việc làm giả tài liệu là rất đa dạng, phong phú. Đối tượng có thể làm giả từ văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy đăng ký xe và kể cả vé số… để thực hiện hành vi lừa đảo.

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh, hiện nay, việc lên mạng đặt làm giấy tờ giả khá dễ dàng, với cách thức làm giả tinh vi, điều này đặt ra nhiều thách thức cho các tổ chức hành nghề công chứng. Bởi công chứng viên phải đối chiếu kỹ mọi giấy tờ, thông tin khách hàng.

"Quá trình thực hiện công chứng các hợp đồng, thủ tục, đặc biệt là các giấy tờ liên quan đến đất đai, các tổ chức hành nghề công chứng phải dùng nhiều biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, phòng tránh, không để lọt những trường hợp sử dụng các loại giấy tờ giả vì mục đích xấu”, ông Thắng chia sẻ.

Còn theo ông Võ Thái Sơn, Chánh Tòa hình sự, Tòa án nhân dân tỉnh, qua công tác xét xử cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng làm giả giấy tờ ngày càng tinh vi, các loại giấy tờ giả chúng sử dụng đều rất khó phát hiện. Đồng thời, các đối tượng cũng có thể dễ dàng đặt mua thông qua các giao dịch trên mạng xã hội.

Do đó, để chủ động phòng, chống loại tội phạm này, ông Sơn cho rằng, cơ quan chức năng cần thường xuyên thông tin về hình thức, dấu hiệu, cách nhận biết các loại giấy tờ giả. Về phía mỗi người dân, cần cẩn trọng, kiểm tra kỹ các loại giấy tờ khi giao dịch hoặc nhờ đến các cơ quan chức năng kiểm tra tính thật - giả để tránh trở thành nạn nhân trong các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu tài liệu, giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật có thể bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng hoặc có thể bị phạt tù lên đến 7 năm. Đối với tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành séc giả, các giấy tờ có giá giả khác được quy định tại Điều 208 Bộ luật Hình sự năm 2015 có thể bị phạt 20 năm tù giam.

 

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>