Cần thiết sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự

28/10/2021 | 08:53 GMT+7

Thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với việc bổ sung nội dung tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh...

Đại biểu Nguyễn Văn Quân tham gia đóng góp ý kiến tại điểm cầu Hậu Giang.

Nhiều vụ án, vụ việc chưa được giải quyết do dịch bệnh

Báo cáo về nội dung dự thảo tại Quốc hội, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, trước tình hình thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở một số địa phương và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hiện nay, nhất là trong bối cảnh thực hiện triệt để giãn cách xã hội, việc khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ việc, vụ án hình sự gặp khó khăn, bị trì hoãn do không thể tiến hành được các hoạt động tố tụng.

Cụ thể, theo thống kê của Bộ Công an, từ khi thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ cho đến thời điểm hiện nay thì còn 171 tố giác tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gần hết thời hạn kiểm tra, xác minh và còn 77 vụ án gần hết thời hạn điều tra nhưng chưa có căn cứ để ban hành quyết định tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Có 111 vụ án đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết giai đoạn truy tố do không thể tiến hành được các hoạt động tư pháp khác. Viện kiểm sát các cấp cũng không thể xử lý tình huống bằng cách ra các quyết định trả hồ sơ, điều tra bổ sung hoặc đình chỉ vụ án vì không có căn cứ.

Tham gia đóng góp ý kiến đối với nội dung này, đa số đại biểu tán thành bổ sung quy định về tạm đình chỉ khởi tố, điều tra, truy tố trong bối cảnh dịch bệnh. Bởi việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ này sẽ tạo cơ sở pháp lý để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn hiện nay cũng như khả năng phát sinh trong thời gian tới; bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân.

Theo đại biểu Nguyễn Tiến Nam (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình), thực tế vừa qua, thiên tai, mưa bão, lũ lụt gây hậu quả nặng nề ở nhiều tỉnh, thành phố; và đặc biệt dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa, cách ly tập trung dẫn đến một số hoạt động tố tụng bị gián đoạn, kéo dài. “Tôi cho rằng đây là những sự kiện bất khả kháng do khách quan quyết định. Nếu chúng ta không bổ sung kịp thời quy định này sẽ rất khó khăn cho các cơ quan thi hành tố tụng, thậm chí có thể vi phạm pháp luật”, đại biểu Nam nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cũng nhìn nhận thực tế tình hình thiên tai, bão lũ, dịch bệnh… thì việc khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ việc, vụ án hình sự gặp khó khăn, bị trì hoãn do không thể tiến hành được các hoạt động tố tụng. Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện nay không có quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”. Điều này dẫn đến vụ án, vụ việc không có cách giải quyết tiếp theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, đại biểu Nga cũng đề nghị các cơ quan tố tụng sẽ phải cân nhắc thận trọng khi quyết định áp dụng căn cứ này đối với từng trường hợp cụ thể.

Tăng trách nhiệm cho công an xã

Vấn đề nữa được nhiều đại biểu quan tâm là việc bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã, tương đương với trách nhiệm của công an phường, thị trấn và đồn công an.

Phát biểu tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng hiện Bộ Công an đã bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã nên việc sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của công an xã giống như công an phường, thị trấn, đồn công an là phù hợp và cần thiết. Việc giao thêm trách nhiệm cho công an xã sẽ phát huy nguồn lực của lực lượng này trong việc kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo tiếp nhận được và tạo điều kiện giải quyết kịp thời các vụ việc ngay từ giai đoạn mới phát hiện.

Tuy nhiên, đại biểu Đoàn Thị Lê An (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng) cho rằng, cần đánh giá kỹ, xem xét lại việc bổ sung quyền hạn cho công an xã. Đại biểu An kiến nghị cùng với việc giao thêm quyền hạn, nhiệm vụ mới cần đánh giá thêm về năng lực, nghiệp vụ, điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo tính khả thi. Nếu sau đánh giá nhận thấy chưa đáp ứng được ngay, cần tiếp tục đào tạo, tập huấn, trang bị cơ sở vật chất.

Tham gia ý kiến đối với vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Quân (Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Hậu Giang) đồng tình cao với việc giao thẩm quyền cho công an cấp xã. Tuy nhiên, đại biểu cũng băn khoăn với một số điểm, cụ thể, tại Điều 1 của nội dung dự thảo quy định về “xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm”, theo đại biểu Quân, cần sửa đổi câu từ chặt chẽ hơn đối với trường hợp này, bởi nếu quy định là “xác minh sơ bộ” dễ tạo tâm lý chủ quan, chưa gắn chặt trách nhiệm cho công an cấp xã trong quá trình xác minh tin báo, tố giác, do đó đề xuất có thể sửa đổi thành “xác minh ban đầu” cho phù hợp.

Giải trình trước Quốc hội, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho hay lực lượng công an chính quy đã được đưa về cơ sở khá nhiều và đang tiếp tục triển khai. Lực lượng này về mặt năng lực, chuyên môn có thể đáp ứng được yêu cầu nhưng luật hiện hành chưa cho phép. Việc bổ sung quy định này nhằm phát huy năng lực của công an xã giúp giải quyết các vụ việc được ngay tại chỗ. Nếu giải quyết tốt được sẽ giảm tải áp lực cho lực lượng của công an cấp huyện hiện đang quá tải. Để bảo đảm áp dụng thống nhất, chặt chẽ, tránh lạm dụng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị Quốc hội giao Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan quy định chi tiết việc tạm đình chỉ trong các trường hợp này.

Đ.BẢO ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>