Cần nhiều giải pháp hữu hiệu hạn chế tranh chấp liên quan đến đất đai

16/04/2024 | 06:02 GMT+7

Theo ngành chức năng, nguyên nhân phát sinh tranh chấp thường xuất phát do biến động về giá đất, việc chuyển nhượng của các đương sự nhiều trường hợp chưa tuân thủ về hình thức; quá trình sử dụng đất có sự chồng lấn giữa các hộ dân.

Tòa án nhân dân tỉnh xét xử một vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất.

Những năm gần đây, số lượng các tranh chấp dân sự có xu hướng gia tăng, trong đó, chiếm phần lớn là các tranh chấp liên quan đến đất đai, tài sản với nhiều diễn biến phức tạp.

Ba tháng đầu năm 2024, các tranh chấp dân sự trên địa bàn tỉnh phát sinh hơn 2.200 vụ việc, trong đó phần lớn là các tranh chấp liên quan đến đất đai (chiếm khoảng 70%) với yếu tố phức tạp, diễn biến kéo dài.

Nguyên nhân thường xuất phát do biến động về giá đất, việc chuyển nhượng của các đương sự nhiều trường hợp chưa tuân thủ về hình thức; quá trình sử dụng đất có sự chồng lấn giữa các hộ dân.

Song song đó, một số vụ kéo dài trong nhiều năm và khó giải quyết do nguyên nhân khách quan như quy định của pháp luật về quản lý đất đai có sự thay đổi hoặc có sự điều chỉnh trong việc lập bản đồ, thay đổi bản đồ địa chính, thay đổi hiện trạng đất do thiên tai…

Đơn cử như trường hợp tranh chấp giữa ông A. và ông M., ngụ xã Đông Phước A, huyện Châu Thành.

Cả hai cùng phát sinh tranh chấp từ năm 1994 với phần đất có diện tích 832m2,  trước đây là phần đất kênh rạch nhưng hiện trạng đã bị bồi đắp. Khi gia đình ông A. canh tác thì ông M. ngăn cản và ngược lại, cả hai gia đình đều muốn công nhận phần đất trên thuộc về gia đình mình, trong khi địa phương cho rằng đây là phần đất do Nhà nước quản lý. Cuối cùng, hai nhà phải khởi kiện ra tòa để nhờ tòa phân xử.

Trước đó, Tòa án nhân dân thành phố Vị Thanh thụ lý xét xử một vụ tranh chấp đất đai trong việc cầm cố đất.

Cụ thể, vào năm 2015, vợ chồng ông K., bà N. có nhận cố đất của vợ chồng ông L., bà H. một phần đất ruộng có diện tích 8.698,7m2, tại phường III, hai bên có làm giấy tay với số tiền cố đất là 200.000.000 đồng. Thỏa thuận thời gian là 3 năm, nếu tới hạn không chuộc lại đất thì vợ chồng ông bà tiếp tục canh tác.

Tuy nhiên, một thời gian sau, ông K., bà N. mới biết phần đất mà ông bà nhận cố đã được ông L. và bà H. chuyển nhượng cho ông B., và ông B. hiện cũng đã thế chấp phần đất này tại ngân hàng. Sau khi thỏa thuận không thành, ông K. và bà N. đành khởi kiện ông L., bà H. ra tòa để yêu cầu được bồi thường thiệt hại.

Theo Tòa án nhân dân tỉnh, các vụ tranh chấp liên quan đến đất đai đa phần là những vụ kiện khó, phức tạp, kéo dài, chủ yếu là do biến động giá đất với xu hướng giá trị quyền sử dụng đất tăng cao, vì thế, việc tranh chấp liên quan đến đất diễn ra giữa nhiều đối tượng khác nhau như: giữa anh em, người thân trong dòng họ, bạn bè,… nhất là tranh chấp giữa hàng xóm với nhau diễn ra khá phổ biến.

Ông Nguyễn Đồng Khởi, Trưởng phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính và những việc khác theo quy định pháp luật, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, cho biết, có nhiều vụ, việc sau khi đã có phán quyết của tòa án cấp sơ thẩm nhưng các bên vẫn không đồng ý và tiếp tục kháng cáo lên cấp phúc thẩm dẫn đến vụ án kéo dài và gay gắt. Mặt khác, trình độ nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn thấp; giao dịch mua bán, cho mượn, cho ở nhờ… không có giấy tờ cụ thể nên quá trình sử dụng thường xảy ra tranh chấp.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, để kéo giảm các vụ tranh chấp đất hiện nay, ngoài việc người dân phải nâng cao hiểu biết pháp luật thì cần tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan đến thửa đất trước khi thực hiện giao dịch mua bán. Đối với việc cho mượn hay cho ở nhờ… thì cần phải lập các giấy tờ, thủ tục cần thiết và được các cơ quan chức năng xác nhận, đóng dấu thành các giấy tờ hợp lệ để tránh tranh chấp xảy ra.

Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước liên quan đến việc đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần phải tiến hành thu thập, xác minh thông tin cần thiết, đầy đủ, chính xác, rõ ràng để cấp giấy cho đúng chủ sở hữu, tránh xảy ra những tranh chấp đáng tiếc.

Ông Trương Đình Nghệ, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, cho rằng, hiện nay đa phần các vụ việc dân sự liên quan đến đất đai đều có tính chất phức tạp. Để đảm bảo quá trình tố tụng, đúng trình tự thủ tục luật định, thường phải tiến hành xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, định giá tài sản... Điều này khiến cho việc giải quyết loại án này mất rất nhiều công đoạn, thủ tục và kéo dài thời gian.

Để nâng cao chất lượng giải quyết án dân sự, nhất là án dân sự liên quan đến tranh chấp đất đai đạt hiệu quả cao, theo ông Trương Đình Nghệ, hiện ngành tòa án đang tiếp tục đẩy mạnh công tác hòa giải trong giải quyết các vụ tranh chấp, trong đó chú trọng áp dụng Luật Hòa giải và đối thoại tại tòa án. 

“Đơn vị cũng sẽ tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ ngành tòa án chuyên môn giỏi; kiến nghị các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc quản lý, đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… để hạn chế những vụ việc tranh chấp xảy ra”, ông Nghệ cho biết thêm.

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>