Ai có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo Luật Đất đai mới ?

30/05/2024 | 08:59 GMT+7

Quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại Luật Đất đai năm 2024 kế thừa quy định tại Luật Đất đai hiện hành. Tuy nhiên, luật có bổ sung thêm thẩm quyền của trọng tài thương mại trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai.

UBND tỉnh tổ chức đối thoại, giải quyết khiếu nại liên quan đến đất đai của công dân thành phố Vị Thanh. (Ảnh minh họa)

Theo ông Phạm Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đối với thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, Luật Đất đai năm 2024 kế thừa quy định về thẩm quyền tại Luật Đất đai năm 2013. Qua đó, luật quy định tranh chấp về tài sản gắn liền với đất, tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp hoặc một trong các bên tranh chấp có giấy tờ chứng minh về quyền sử dụng đất sẽ do tòa án giải quyết.

Cụ thể, các loại giấy tờ chứng minh về quyền sử dụng đất, gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

Kể cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 137 của luật này (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính; sổ mục kê, sổ kiến điền lập trước ngày 18-12-1980 mà có tên người sử dụng đất…).

Quy định cụ thể thời gian khởi kiện hành chính

Cũng theo ông Phạm Mạnh Phương, đối với các tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không có các giấy tờ nêu trên, thì các bên tranh chấp chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai là, khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền.

 Trong đó, trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết. Sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND cấp huyện, mà các bên tranh chấp không gửi đơn đến cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại điểm này, thì quyết định giải quyết tranh chấp của Chủ tịch UBND cấp huyện có hiệu lực thi hành.

Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND cấp huyện, các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính hoặc khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.

 Đối với tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết. Sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, mà các bên tranh chấp không gửi đơn đến cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại điểm này, thì quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.

 Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại tòa theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính hoặc khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quyết định giải quyết của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có hiệu lực thi hành.

“So với Luật Đất đai 2013, Luật Đất đai năm 2024, đã quy định cụ thể về thời gian để khiếu nại, hoặc khởi kiện hành chính nếu không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền”, ông Phạm Mạnh Phương cho biết.

Bổ sung thẩm quyền của trọng tài thương mại

Điểm đáng chú ý của Luật Đất đai năm 2024, là quy định tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai, sẽ do tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, hoặc do trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại.

Ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho rằng, căn cứ khoản 1, điều 3, Luật Thương mại năm 2005, thì hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Như vậy, từ ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực, tranh chấp giữa một hoặc hai bên là thương nhân với đối tượng là đất đai, có mục đích lợi nhuận, đương sự chỉ có quyền lựa chọn tòa án và trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp mà không có lựa chọn UBND.

Thông tin thêm, ông Đồng Việt Phương cho hay, luật cũng quy định UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất khi được tòa án, trọng tài thương mại Việt Nam yêu cầu để làm căn cứ cho giải quyết tranh chấp đất đai.

Bắt buộc hòa giải trước khi ra tòa

Theo quy định tại Điều 235, Luật Đất đai năm 2024, Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải, hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải thương mại hoặc cơ chế hòa giải khác theo quy định của pháp luật.

Trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai quy định tại Điều 236 của luật này, các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.

 

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>