Xu hướng mới trong tiêu thụ nông sản

08/08/2022 | 10:02 GMT+7

Bài 3: Lan tỏa giá trị nông sản trên không gian số

Các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh Hậu Giang như khóm, chanh không hạt, cá thát lát... cùng nhiều mặt hàng nông sản khác đã sớm có mặt trên sàn thương mại điện tử. Đây được xem là hướng đi mới, góp phần tạo thêm kênh phân phối hiện đại và bền vững cho nông sản địa phương. Không gian kinh doanh mở, giúp định vị đúng giá trị thương hiệu, nâng tầm giá trị sản phẩm. Liên quan đến hoạt động hỗ trợ đưa hộ sản xuất lên sàn thương mại điện tử, ông Vũ Chí Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính - Bộ Thông tin và Truyền thông có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang.

Ông Vũ Chí Kiên (bìa phải), Phó Vụ trưởng Vụ Bưu Chính - Bộ Thông tin và Truyền thông, tham quan khu vực trưng bày các sản phẩm tham gia lên sàn thương mại điện tử.

Ông có đánh giá như thế nào về công tác hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử của Hậu Giang hiện nay ?

- Tôi đánh giá cao việc triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ đưa hộ sản xuất lên sàn thương mại điện tử của tỉnh Hậu Giang. Tôi cho rằng Hậu Giang là một trong những tỉnh có cách triển khai rất tốt, đặc biệt các sản phẩm OCOP. Tỉnh đã chọn đúng mặt hàng tiềm năng, lựa chọn đúng hộ để tham gia sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm chưa được tiêu thụ nhiều cũng có nhiều nguyên nhân khách quan. Thứ nhất là độ sẵn sàng của sản phẩm nông nghiệp theo tính mùa vụ. Thứ hai là các sản phẩm nông nghiệp tươi sống đòi hỏi khâu sơ chế, yêu cầu bảo quản cao. Chúng tôi thấy rằng về kỹ thuật, cần chọn lựa những sản phẩm có khả năng bảo quản dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, đặc biệt chú trọng hơn ở khâu xây dựng thương hiệu, đóng gói, đảm bảo chất lượng…, từ đó lan tỏa giá trị thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm. Khách hàng sẽ cảm nhận được sự hài lòng khi dùng sản phẩm của Hậu Giang.

Ông đánh giá như thế nào về quy mô, số lượng sản phẩm của Hậu Giang ?

- Nhìn chung, trong khu vực ĐBSCL sẽ có nhiều sản phẩm cơ bản giống nhau. Đối với Hậu Giang, rất nhiều sản phẩm “mũi nhọn” chất lượng cao như lúa, khóm, chanh không hạt, cá thát lát... Tỉnh cần tiếp tục xây dựng lộ trình đưa sản phẩm của mình đi xa hơn nữa. Để làm được điều này, cần chú trọng xây dựng thương hiệu, chất lượng đảm bảo, xây dựng sản phẩm theo các quy chuẩn từ VietGAP, GlobalGAP, các quy chuẩn đã được công nhận trên thị trường Việt Nam và quốc tế. Từ đó, tạo được niềm tin với khách hàng, tạo ra giá trị cao hơn, lợi nhuận cao hơn cho người nông dân.

Ông có lời khuyên gì đối với Hậu Giang trong thời gian tới về những giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử ?

- Nếu được tư vấn cho Hậu Giang, tôi cho rằng nên đi theo hướng xây dựng hệ thống để tăng cường gia tăng giá trị dựa vào thương hiệu, maketing, cách bán hàng hiện đại. Đầu tiên, cần xác định giá trị cốt lõi, khả năng cạnh tranh trên thị trường. Cần đảm bảo từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, tạo được sự tin cậy và hài lòng từ khách hàng. Nếu làm được điều này chính là tạo được giá trị quan trọng nhất trong việc chuyển đổi số là tăng giá trị lên gấp nhiều lần. Nếu có thể tìm cách ghép nối khoảng 1.000 hộ sản xuất phù hợp với lượng tương đương khách hàng sẽ tạo ra giá trị vô cùng lớn. Một khi khách hàng đã chấp nhận các sản phẩm của Hậu Giang, từ đó sẽ tiếp tục lan tỏa hơn giá trị sản phẩm. Đây là cách thức nhiều đơn vị bán hàng, maketing hiện đại sử dụng, tận dụng không gian số để lan tỏa giá trị của sản phẩm.

Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có sự hỗ trợ như thế nào đối với Hậu Giang trong việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, thưa ông ?

- Đã tròn 1 năm chúng tôi thực hiện chương trình hỗ trợ hộ nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là vùng cần có sự hỗ trợ tăng cường. Đầu tiên phải giúp người nông dân làm quen với việc tự giới thiệu sản phẩm của mình, tự sản xuất, tự kinh doanh, thậm chí tự quảng bá và tìm kiếm khách hàng. Mục tiêu là làm sao để nông dân sẽ hạn chế việc bị phụ thuộc vào thương lái và có thể tự bán được sản phẩm của mình với giá trị cao hơn.

Ngành thông tin và truyền thông ngoài hướng dẫn cách làm, có thể hỗ trợ thêm về mô hình logistics 2 chiều, tạo ra hệ sinh thái giá trị bao gồm người sản xuất - vận chuyển - bảo quản - bán hàng… 4 khâu liên kết này, sẽ tạo ra được dòng chảy vật chất cho người nông dân của Hậu Giang nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung để đưa sản phẩm vươn xa hơn trên thị trường và tạo ra nhiều giá trị hơn nữa…

Xin cảm ơn ông !

KỲ ANH thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>