Tích cực triển khai và ứng dụng công nghệ số

02/11/2022 | 07:56 GMT+7

Ứng dụng công nghệ số, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm làm ra trên các sàn thương mại điện tử sẽ là công cụ phục vụ đắc lực cho nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã, sản xuất kinh doanh tốt hơn, bền vững hơn theo xu thế mới.

Các đơn vị tích cực trao đổi, tìm hiểu về công nghệ số.

Theo các hợp tác xã, thông qua ứng dụng công nghệ số, người sản xuất, kinh doanh dễ dàng tiếp cận, xây dựng mạng lưới đối tác rộng mở, linh hoạt tương tác trực tiếp đến các cơ quan quản lý địa phương, các chuyên gia bằng hình ảnh, video, clip, một cách dễ dàng. Công nghệ số cũng mở ra cho các hợp tác xã nhiều cơ hội lựa chọn, ứng dụng được giải pháp, mô hình quản trị tốt, phù hợp, hiệu quả.

Theo ông Phùng Văn Gỡ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, hợp tác xã đang áp dụng công nghệ thông tin trong khâu quản lý, sử dụng phần mềm bán hàng, website quảng bá sản phẩm... Việc tiếp cận công nghệ thông tin với những người trẻ như ông khá dễ dàng. Tuy nhiên, những thành viên lớn tuổi, phần nào cũng bị hạn chế hơn. Ông hy vọng rằng tới đây ngành chức năng cần nhân rộng triển khai trực tiếp về cơ sở, điều này sẽ rất hữu ích cho những nông dân lớn tuổi, giúp bà con trong hợp tác xã tiếp cận nhanh với thương mại điện tử nói riêng và chuyển đổi số nói chung.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai kế hoạch Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử năm 2022. Kế hoạch đặt ra mục tiêu sẽ khảo sát và thẩm định ít nhất 60 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, hộ sản xuất nông nghiệp có khả năng tham gia sàn thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ ít nhất 10.000m2 nuôi lươn cho các hộ sản xuất nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử tỉnh. Hỗ trợ ít nhất 20.000m2 nuôi trồng thủy sản cá thát lát cho các hộ sản xuất nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử tỉnh. Đảm bảo nâng cao giá trị, uy tín thương hiệu sản phẩm chủ lực của tỉnh và tiềm năng phát triển, đáp ứng được thị trường tiêu thụ nông sản, phục vụ cho xuất khẩu.

Theo bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, qua đây nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ được đề ra trong Kế hoạch số 211 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số việc kinh doanh, sản xuất của các hộ sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Giúp hộ sản xuất nông nghiệp tiếp cận được sàn thương mại điện tử, đưa các sản phẩm chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm bền vững cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản đạt chuẩn quốc tế trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, để phát triển nông nghiệp bền vững, ứng dụng nền tảng số và truy xuất nguồn gốc, liên kết xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm là một trong những khâu đột phá. Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã xây dựng và thực hiện thành công, có hiệu quả nhiều mô hình sản xuất, cụ thể là sản xuất chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm. Mô hình Tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh nấm rơm trong nhà và phân hữu cơ theo chuỗi giá trị. Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, màu an toàn trồng dưa lưới; nhiều mô hình, dự án gắn với công nghệ cao hay cơ giới hóa trong nông nghiệp đã và đang được triển khai sâu rộng, hiệu quả…

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trần Chí Hùng, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, chuyển từ nền nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ nông nghiệp, chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp”… đặt ra cho ngành nông nghiệp phải có sự đổi mới mạnh mẽ để phát triển. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh luôn quan tâm đến những mô hình ứng dụng công nghệ mới, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, hướng tới sự phát triển bền vững.

Bài, ảnh: NGỌC ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>