Sản xuất nông nghiệp thời công nghệ 4.0
Cách đây vài năm, máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không người lái còn khá xa lạ với người nông dân. Còn giờ đây, trên các cánh đồng ở huyện Vị Thủy, có thể thấy sự xuất hiện nhiều hơn của những phương tiện này. Việc áp dụng máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu, bệnh trong sản xuất lúa, đã góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm lượng thuốc, bảo vệ sức khỏe nông dân và giảm ô nhiễm môi trường.
Thành viên HTX Dịch vụ và Nông nghiệp Kiến Thành vận hành máy bay phun thuốc BVTV.
Vượt qua cách làm ăn theo lối mòn, các HTX sản xuất lúa, gạo ở huyện Vị Thủy có nhiều bứt phá trong thời gian qua. Vận dụng nguồn vốn hỗ trợ trong Dự án hỗ trợ trang thiết bị, máy móc của huyện Vị Thủy, HTX Dịch vụ và Nông nghiệp Kiến Thành xã Vị Bình vận động thành viên đóng góp đối ứng 50% để mua 2 máy bay phun thuốc BVTV trị giá hơn 1,4 tỉ đồng. Bàn tay một nắng hai sương của những nông dân nay thuần thục công nghệ, tạo làn gió mới cho sản xuất.
Ông Huỳnh Văn Dũng, Giám đốc HTX Dịch vụ và Nông nghiệp Kiến Thành, xã Vị Bình, thông tin: khi sử dụng máy bay phun thuốc tiết kiệm được thuốc, thời gian phun rất nhanh. Đồng thời, phun cho thành viên HTX giá thành sẽ thấp hơn nông dân ngoài HTX. Từ đó, thu hút được nhiều nông dân tham gia vào hoạt động kinh tế hợp tác.
Sau khi đi tham quan các mô hình trình diễn phun thuốc bằng máy bay không người lái, nhận thấy việc phun thuốc bằng bình máy ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe sau này, anh Trương Hiếu Tính, ở ấp 3, xã Vĩnh Trung, đã đầu tư gần 200 triệu đồng để mua máy bay không người lái phun thuốc cho ruộng nhà mình và làm dịch vụ cho bà con nông dân trong và ngoài xã có nhu cầu.
Anh Tính cho biết, cứ mỗi lần đến kỳ phun thuốc phòng trừ sâu, bệnh cho lúa, tìm kiếm nhân công rất khó khăn. Khi thấy có máy bay phun thuốc không người lái, mới gọi điện công ty tham khảo giá cả, loại máy và đặt mua. Nhận thấy cánh đồng ở Hậu Giang mình đất manh mún, máy nhỏ thuận lợi hơn nên anh chọn mua loại máy 10 lít dễ vận chuyển vào các tuyến đường nông thôn. Từ khi có máy bay phun thuốc, bà con rất phấn khởi. Bởi tính ra chi phí dịch vụ rẻ và phun nhanh hơn so với mướn người phun bằng thủ công.
Với những lợi ích thiết thực, máy bay phun thuốc BVTV ngày càng trở nên phổ biến và được người nông dân đón nhận. Ông Nguyễn Thanh Điều, ở ấp 7, xã Vị Trung, canh tác 10ha lúa rất hài lòng khi thuê dịch vụ phun thuốc bằng máy bay phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa trên mảnh ruộng của mình và ông đã áp dụng từ vụ lúa Đông xuân năm rồi đến nay.
Theo ông Điều, hiệu quả quan trọng nhất khi sử dụng máy bay không người lái phun thuốc là nông dân không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV, đảm bảo sức khỏe của người nông dân. Đồng thời, 100% vỏ bao bì đựng thuốc BVTV sẽ được thu gom tập trung, không bị bỏ bừa bãi ra đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường.
“Nếu như ngày xưa mình xịt 10 bình thuốc, phải pha 10 chỗ khác nhau, mỗi lần gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV rất cực khổ. Nhưng khi phun thuốc bằng máy bay chỉ cần pha thuốc 1 chỗ thôi là phun thuốc hết đồng mình rồi. Bao bì, vỏ chai thuốc BVTV gom lại một chỗ, mình đem về để có chỗ, có nơi rồi mang đi tiêu hủy rất thuận tiện”, ông Điều cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Cơ, ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây cho biết, nếu phun thủ công, 1ha phải mất rất nhiều thời gian, tiền công khoảng 200.000 đồng. Nếu phun bằng máy bay phun thuốc không người lái, chỉ mất khoảng 30 phút, giá thành cũng tương đương và rút ngắn thời gian phun thuốc trên một đơn vị diện tích. Đồng thời, máy bay phun thuốc đều và không phải lội vào ruộng nên không giẫm đạp lên lúa, không bị thất thoát khi thu hoạch.
Hiện trên địa bàn huyện Vị Thủy đã có 5 hộ tự đầu tư mua máy bay phun thuốc BVTV phục vụ nhu cầu của bà con nông dân. Ứng dụng mô hình máy bay phun thuốc BVTV cho cây lúa là bước đi quan trọng trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, giải phóng sức lao động cho con người.
Ông Trương Văn Trí, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Thủy, thông tin: Phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái đây là ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp mới, để giúp người nông dân tiếp cận những khoa học, kỹ thuật mới vào đồng ruộng của mình. Hướng tới đơn vị sẽ tiếp tục phun trình diễn để nông dân thấy được hiệu quả về áp dụng và nhân rộng mô hình.
Với sản lượng hơn 300.000 tấn mỗi năm, cây lúa khẳng định vị trí trong nền nông nghiệp của huyện Vị Thủy. Bằng cách làm mới, ứng dụng công nghệ thúc đẩy sự chuyển biến từ số lượng sang chất lượng, đến nay 100% diện tích lúa ứng dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch, tỷ lệ giống xác nhận chiếm trên 90%, cơ cấu giống lúa thơm, giống chất lượng cao chiếm hơn 95% khẳng định hướng phát triển bền vững của lúa gạo.
Bài, ảnh: HỮU HIỆP
- Chuyển đổi số thúc đẩy nông nghiệp phát triển
- Chuyển đổi số đang đóng góp nhiều cho sự phát triển ngành nông nghiệp
- Nâng cao giá trị nông sản
- BẢNG GIÁ QUẢNG CÁO BÁO HẬU GIANG
- “Bác Hồ trong trái tim các dân tộc Việt Nam”
- Chúc tăng, ni, phật tử đón Đại lễ Phật đản an lành
- Huyện Vị Thủy: Xây dựng 41 tuyến đường đẹp
- Điểm tin sáng 17 – 5: Bốn người Việt Nam vào top gương mặt trẻ nổi bật châu Á
- Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám định tư pháp
- Nâng cao kỹ năng cho các “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”
- Bảo hiểm xã hội tỉnh và Hội Nông dân tỉnh phối hợp ra mắt mô hình mới
- Xét xử 16 bị cáo liên quan đến “tín dụng đen”
- Nguy cơ ùn tắc kiểm định khi gần 300 đăng kiểm viên ra tòa