Nông dân bắt nhịp chuyển đổi số

15/11/2022 | 09:00 GMT+7

Hiện nay, ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng mà còn làm tăng khả năng cạnh tranh cho nông sản trên thị trường.

Ông Trưng dùng điện thoại thông minh để kiểm tra quá trình sinh trưởng và phát triển của cây dưa lưới. Ảnh: D.KHÁNH

Cách đây 4 năm, được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện, Ông Võ Văn Trưng, ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, đã mạnh dạn đầu tư hơn 600 triệu đồng để thực hiện mô hình trồng dưa lưới nhà kính theo công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. Ngoài tiết kiệm được 80% lượng nước tưới, 50% chi phí nhân công lao động, phương pháp này còn giúp hạn chế đến 90% dịch bệnh do trồng trong môi trường nhà kính. Từ đó, hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Trung bình một nhà lưới 1.000m2, cứ 3 tháng trồng, ông Trưng thu lời 30 triệu đồng. Từ 2.000m2 ban đầu, đến nay ông thành lập được HTX dưa lưới Thuận Phát, với 10 thành viên và mở rộng diện tích lên gấp 10 lần. Mỗi năm, HTX cung ứng cho thị trường hơn 200 tấn dưa lưới, lợi nhuận gần 2 tỉ đồng. Gần đây, ông Trưng tiếp tục lắp thêm hệ thống kiểm tra dinh dưỡng cho cây dưa lưới. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, ông có thể quản lý được quá trình sinh trưởng và phát triển của cả vườn dù đang ở bất cứ nơi đâu.

Ông Trưng cho biết: “Áp dụng công nghệ cao cho vườn dưa lưới giúp ích cho lĩnh vực nông nghiệp rất nhiều. Thứ nhất là tự động hóa được hệ thống tưới, thứ hai nữa là khi gắn những cảm biến vô hệ thống dinh dưỡng kết nối qua điện thoại hoặc máy tính thì dù đi bất cứ nơi đâu cũng có thể kiểm tra được lượng dinh dưỡng cung cấp cho cây dưa. Thậm chí mình còn kiểm tra được thời tiết thay đổi trong ngày buổi sáng, buổi chiều và buổi tối, từ đó điều chỉnh được lượng nước và dinh dưỡng cho phù hợp”.

Công nghệ số hóa không chỉ được áp dụng trong sản xuất, mà còn được nông dân ở huyện Phụng Hiệp ứng dụng để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm qua sàn thương mại điện tử. Như HTX Kỳ Như, một chủ thể tiên phong ở huyện Phụng Hiệp đã ứng dụng thành công internet để quảng bá các sản phẩm lên cộng đồng mạng. Theo đó, nhờ việc nắm bắt tốt xu hướng của thị trường và sự hỗ trợ tích cực từ địa phương, HTX đã thiết kế thực đơn bữa ăn gia đình từ các sản phẩm chủ lực của HTX với giá từ 100.000-500.000 đồng. Sau đó sẽ được chào hàng trên các sàn thương mại điện tử, các website về ẩm thực hay hệ thống các siêu thị. Nhờ đó, mà sản lượng của HTX tiêu thụ năm qua tăng gần gấp đôi so với năm trước đó.

Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như, cho biết: “Xu hướng chuyển đổi số đang lan tỏa, HTX cũng xác định muốn tồn tại và phát triển hơn nữa phải tận dụng thời cơ này. Do đó thời gian qua, bên cạnh củng cố phát triển các sản phẩm chủ lực, HTX cũng mạnh dạn thay đổi việc truyền thông, quảng bá sản phẩm thông qua các website để giới thiệu sản phẩm của HTX đến người tiêu dùng. Hai năm qua, HTX cũng mạnh dạn thiết kế các combo sản phẩm để chào hàng trên hệ thống mạng để tìm kiếm khách hàng và tiêu thụ sản phẩm”. 

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, thời gian qua, bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, nhà xưởng cho các chủ thể, huyện Phụng Hiệp còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ nông dân trong việc nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của nông dân sang một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm; hướng dẫn nông dân tham gia xây dựng mã số vùng trồng, cập nhật và ứng dụng các dữ liệu về nông nghiệp như: cây trồng, vật nuôi, thủy sản, để người nông dân định hướng sản xuất kinh doanh phù hợp. Thông qua cách làm này đã giúp cho nông dân trong huyện mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và kinh doanh. Tính đến nay, toàn huyện có hơn 100 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Ngành nông nghiệp của huyện đang trong giai đoạn chuyển dịch từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, để chuyển đổi thành công cũng phải có thời gian và quá trình thực hiện. Do đó, trước mắt sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, khi triển khai các dự án hỗ trợ nông dân huyện cũng sẽ ưu tiên thực hiện các mô hình theo hướng công nghệ số.

Cũng theo ông Trần Văn Tuấn, thời gian tới huyện sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm thúc đẩy hộ sản xuất nông nghiệp chủ động tham gia kết nối tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, phối hợp với các ngành có liên quan tiếp tục hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp và các hộ sản xuất nông nghiệp về kỹ năng số và cách thức để có thể sử dụng thiết bị di động thông minh để bán hàng trên các trang thương mại điện tử như: Voso, Postmart, Shopee, Lazada do sở Công thương triển khai.

Theo Sở Công thương Hậu Giang, thời gian qua ngành đã chủ động hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp tạo tài khoản, đăng ký bán hàng trên các trang thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Voso, Postmart để doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa hiệu quả tại nhiều địa phương trên cả nước. Cụ thể trong những tháng đầu năm 2022, trên sàn Voso và PostMart đã hỗ trợ quảng bá cho nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh, với hơn 8.500 đơn hàng, doanh thu hơn 1,9 tỉ đồng.

Mục tiêu mà Kế hoạch Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đặt ra là hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia các sàn thương mại điện tử (TMĐT) để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của Hậu Giang. Hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp tiếp cận thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất, nguyên liệu đầu vào, công nghệ, kiến thức, kỹ năng phục vụ sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của Hậu Giang trên các loại hình truyền thông trong nước và nước ngoài. Nâng cao kỹ năng số cho người dân ở nông thôn, góp phần hình thành xã hội số, công dân số trên địa bàn tỉnh Hậu Giang...

 

T.TRÚC - D.KHÁNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>